56 ca tử vong vì bệnh dại: Không chủ quan, lơ là

Đại diện Cục Thú y cho hay, tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó hiện đang là 58%. Nhiều tỉnh còn có tỷ lệ tiêm phòng chó chưa đạt 30%. Theo thống kê, 7 tháng đầu năm nay, cả nước có 56 ca tử vong vì bệnh dại tại 29 tỉnh thành.

Ngày 1/8, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, đơn vị vừa tiến hành giám sát công tác điều tra, xử lý ổ dịch dại tại 2 xã Minh Phú và Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn).

Trước đó, vào sáng 25/7, trên địa bàn xã Minh Phú phát hiện 1 con chó có biểu hiện bị dại, là giống chó ta nặng khoảng 15kg. Con chó này đã cắn 1 người, rồi lao vào tấn công 13 con chó, mèo của 4 hộ dân. Sau đó, nó chạy sang Việt Phủ Thành Chương (thôn Ninh Môn, xã Hiền Ninh) cắn tiếp 2 người khác là khách tham quan và bảo vệ. Nhân viên tại đây đã đập chết con chó, rồi báo cho nhân viên thú y xã Hiền Ninh tới lấy mẫu, gửi đến Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương xét nghiệm. Kết quả, mẫu dương tính vi rút dại.

cho-can-nguoi-2-1722487154.jpg
Thực trạng 1 con chó mắc bệnh dại tấn công nhiều người không phải mới lần đầu xảy ra

Đến ngày 29/7, CDC Hà Nội ghi nhận 3 người phơi nhiễm với con chó dại. Các trường hợp này đã được xử lý vết thương, tư vấn tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại theo đúng quy định.

Sau vụ việc, UBND huyện Sóc Sơn đã thông báo tình hình dịch đến người dân trên địa bàn, xác minh nguồn gốc con chó, phân công nhiệm vụ cho các ban ngành liên quan phòng chống bệnh dại. Đồng thời, tiêu hủy con chó dại và 13 con chó, mèo đã tiếp xúc. Huyện cũng yêu cầu người dân phải xích, nhốt chó, mèo, không được thả rông, bố trí đội tuần tra, tiêu diệt chó thả rông.

Thực trạng 1 con chó mắc bệnh dại tấn công nhiều người không phải mới lần đầu xảy ra. Vào cuối tháng 2 vừa qua, một con chó thả rông đã đi vào Trường Tiểu học và THCS Dực Yên (xã Dực Yên, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh). Một số học sinh tiểu học tiến lại gần trêu đùa. Một em đứng gần nhất bị con chó này cắn nhẹ vào chân. Phát hiện học sinh bị chó cắn, thầy giáo đã chạy tới xua đuổi thì cũng bị nó tấn công. Sau đó, con chó tiếp tục làm bị thương thêm 12 học sinh khác. Con chó chạy rông tấn công người bị bắt để tiêu hủy sau khi xét nghiệm dương tính với virus dại. 14 người bị cắn đã được tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại.

cho-can-nguoi-1-1722487044.jpg
Tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó, mèo nuôi còn thấp

Bộ Y tế cho biết, 7 tháng đầu năm nay, cả nước có 56 ca tử vong vì bệnh dại tại 29 tỉnh thành. Theo tiến sĩ Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, 100% số ca tử vong dại do không đi tiêm vaccine phòng dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định.

Tuy nhiên, các ổ dịch dại vẫn xuất hiện thường xuyên là do tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó, mèo nuôi còn thấp. Từ đó dẫn đến, dịch bệnh trên động vật gia tăng, nguy cơ lây nhiễm sang người cũng cao hơn. Đại diện Cục Thú y cho hay, tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó hiện đang là 58%. Nhiều tỉnh còn có tỷ lệ tiêm phòng chó chưa đạt 30%.

Nhiều chuyên gia cho rằng, con số này chưa thực sự sát thực tiễn. Bởi ngành Thú y và các địa phương hiện còn chưa thống kê, quản lý được đàn chó nên không nắm được tổng số lượng chó thực tế là bao nhiêu. Đây là vấn đề nan giải nhất trong phòng chống bệnh dại.

Các chuyên gia khuyến cáo, hiện bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Do vậy, người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y. Không thả rông chó, mèo và chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

Trường hợp không may bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Sau đó, rửa lại bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine. Lưu ý, người dân không được băng kín vết thương và phải tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm ngừa dại.