Theo báo cáo của FiinRatings, giá trị TPDN có vấn đề trong 5 tháng đầu năm 2024, ước tính đạt mức 145.000 tỉ đồng, tương ứng với 14,2% tổng giá trị TPDN lưu hành và 25,8% số lượng tổ chức phát hành thời gian này.
Trong đó, nhóm ngành năng lượng có tỷ lệ TPDN có vấn đề lớn nhất 42,7%, tiếp đến là bất động sản chiếm 42,5%, thương mại dịch vụ chiếm 30,1%. Tính trên giá trị lưu hành, tỷ lệ TPDN có vấn đề chứng kiến suy giảm nhẹ từ 15,4% vào cuối năm 2023 xuống 14,1% vào thời điểm 30/5/2024.
Khả năng thanh toán của các nhà phát hành ở mức thấp
Báo cáo của FiinRatings nhận xét, dù tỷ lệ TPDN có vấn đề vẫn ở mức cao nhưng đã có xu hướng chậm lại so với năm 2023, phần nào phản ánh sự phục hồi trong hoạt động kinh doanh, cũng như những nỗ lực cải thiện tình hình tài chính, quản lý rủi ro của các doanh nghiệp.
Cũng theo FiinRatings, phần lớn các doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ ở đang ở mức điểm vừa phải (BB), yếu (B) và ở dưới mức điểm đầu tư. Nhóm doanh nghiệp có tỷ lệ chậm trả trái phiếu cao nhất ở mức điểm xếp hạng CCC (rất yếu) trở xuống ghi nhận tỷ lệ 41,9%. Góp mặt trong số này phần lớn là các doanh nghiệp phát triển bất động sản có trải phiếu lưu hành trong giai đoạn 2020-2022.
Đáng chú ý, có đến 85% doanh nghiệp sở hữu hồ sơ rủi ro tài chính ở mức cao đến rất cao. Điều này thể hiện qua việc các doanh nghiệp duy trì mức độ sử dụng đòn bẩy cao hơn trung bình ngành nhiều năm, tỷ lệ phát hành không tương xứng với dòng tiền kinh doanh, dẫn tới khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ có thể không được đảm bảo.
Giữa các nhóm ngành có tỷ lệ chậm trả tăng cao, dải điểm của ngành bất động sản, xây dựng và năng lượng ở dưới mức điểm đầu tư. Các tổ chức phát hành trong nhóm điểm này thường là doanh nghiệp nhỏ chưa đảm bảo được độ nhận diện trên thị trường cũng như dòng tiền hoạt động ổn định.
Các doanh nghiệp cũng chịu tác động đáng kể khi phải đối mặt với những diễn biến bất lợi của thị trường trong giai đoạn 2022 - 2023. Dù một số doanh nghiệp vẫn có khả năng sinh lời, nhưng sẽ ở mức thấp, trong khi áp lực tài chính tới hạn lại cao.
Điều này dẫn đến khả năng tái tài trợ đối với những đơn vị này cũng ở mức hạn chế, khi thị trường tài chính và tín dụng diễn biến không thuận lợi, có nhiều biến động. Đặc biệt, nhiều đơn vị được lập ra với mục đích huy động vốn nên không ghi nhận doanh thu hay dòng tiền hoạt động kinh doanh mà vẫn có dư nợ vay.
Theo số liệu từ VISRating, trong tháng 6 có 41 mã trái phiếu thuộc 34 tổ chức phát hành trị giá 23.000 tỉ đồng đáo hạn. Trong đó, ước tính khoảng 6.900 tỉ đồng có nguy cơ chậm trả gốc/lãi.
Trong nhóm rủi ro cao này, có khoảng 5.800 tỉ đồng trái phiếu của nhóm bất động sản dân cư gồm DCT Partners Việt Nam, Đầu tưu và Bất động sản Ngọc Minh, Tập đoàn Novaland và Hưng Thịnh Land phát hành, đã chậm trả lãi trong năm 2023.
Hay như mới đây, công ty TNHH KN Cam Ranh, một doanh nghiệp lớn trong hệ sinh thái KN Investments Group đã bất ngờ thông báo không thể thanh toán đầy đủ lãi suất một lô trái phiếu. Theo kế hoạch, lô trái phiếu này sẽ được thành toán 26 tỉ đồng tiền lãi và 10 tỉ đồng tiền gốc vào ngày 31/5. Tuy nhiên “do dòng tiền về chậm” đến ngày 3/6 công ty chỉ mới chỉ thanh toán 50%, tương đương 13,2 tỉ đồng.
“Các tổ chức phát hành này có khả năng cao sẽ chậm trả nợ gốc do dòng tiền yếu và nguồn tiền cạn kiệt”, các chuyên gia phân tích của VISRatings nhận định.
Cũng theo VISRating, nhìn xa hơn trong 12 tháng tới, lượng trái phiếu có tổng giá trị 216.000 tỉ đồng sẽ đáo hạn. Ước tính trong số này là trái phiếu có rủi ro chậm trả, các ngành bất động sản dân cư, xây dựng vẫn chiếm số lượng chủ yếu.
Áp lực hiện hữu trên toàn thị trường
Tại báo cáo của FiinRatings cũng cho biết, không chỉ đối với các doanh nghiệp đã chậm trả, áp lực thanh toán vẫn hiện hữu với các doanh nghiệp còn lại khi một phần đáng kể của thị trường đang ở mức điểm sơ bộ nhóm vừa phải và yếu.
Giá trị TPDN đáo hạn ước tính trong quý III và quý IV/2024 đạt lần lượt 57.900 tỉ đồng và 77.400 tỉ đồng. Nhóm trái phiếu bất động sản chiểm tỷ lệ cao nhất với 45%, tương đương 61.000 tỉ đồng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhận định, giá trị TPDN đến hạn trong năm nay là một con số rất lớn, khả năng trả nợ của các nhà phát hành là thấp khi tình hình thị trường và các doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn, nhất là với nhóm doanh nghiệp bất động sản. Nguyên nhân do tín hiệu hồi phục của thị trường chung còn yếu, đây là nhóm doanh nghiệp có dòng tiền yếu, tỷ lệ vay nợ ở mức cao và nguồn tiền để trả nợ hạn chế, có thể sẽ tiềm ẩn rủi ro về khả năng thanh toán.
Ở một góc nhìn khác, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho biết, con số đáo hạn của TPDN bất động sản đến hạn hiện nay không quá đáng lo. Điều đáng ngại của thị trường lúc này là thách thức liên quan đến vấn đề pháp lý khi các cơ quan quản lý đang áp dụng những quy định khắt khe hơn về nhà đầu tư chuyên nghiệp, tần suất phát hành, công bố thông tin, xếp hạng tín nhiệm…có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, FiinRatings cũng cho rằng thị trường vẫn có điểm sáng. Bởi sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép cơ cấu lại nợ trái phiếu ra đời, các doanh nghiệp có xu hướng kết hợp nhiều phương án tái cấu trúc khác nhau để xử lý vấn đề thanh khoản trước mắt, với 67% số lô chậm trả được xử lý bằng cách kết hợp hai phương pháp trở lên.
Số liệu FiinRatings cho thấy, có 63,0% giá trị TPDN chậm trả được tái cấu trúc, với gia hạn gốc/lãi chiếm 80,4% tổng giá trị. Phương án tái cấu trúc được các doanh nghiệp áp dụng phổ biến nhờ tính tối ưu chi phí, chỉ cần sự đồng thuận giữa 2 bên. Trong khi các phương án khác như thanh lý tài sản đảm bảo, hoán đổi tài sản bất động sản hoặc quyền thu sẽ cần định giá phức tạp hơn.
Theo dữ liệu tổng hợp từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 30/06/2024, có 30 đợt phát hành TPDN riêng lẻ trị giá hơn 40.000tỉ đồng, cùng 3 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.000 tỉ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, có 102 đợt phát hành riêng lẻ trị giá hơn 104.000 tỉ đồng và 10 đợt phát hành ra công chúng trị gái gần 11.400 tỉ đồng. Trong số các đợt phát hành riêng lẻ, trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm chiếm 4,2% giá trị.