Thuật ngữ nguồn mở (open source) xuất hiện lần đầu khi lĩnh vực phần mềm ra đời. Mô hình này được lập trình cho phép tất cả mọi người có toàn quyền truy cập vào một công nghệ nhất định. Ở đó, phần mã nguồn của một hệ thống được phát hành công khai trên các nền tảng chia sẻ, bất kì người dùng nào cũng có thể sửa đổi, phát triển và nghiên cứu trên ứng dụng đó. Chính vì vậy, tất cả mọi người đều được cấp quyền tải về, sửa và nâng cấp Grok không mất phí.
Nguồn mở chatbot Grok giúp hỗ trợ người tiếp cận và thử nghiệm miễn phí công nghệ AI tạo sinh của xAI, đồng thời, giúp xAI liên kết với các mô hình nguồn mở khác như Mistral (Pháp) hay Meta (Mỹ) vì cả hai đơn vị này đều sử dụng mô hình AI nguồn mở. Tuy nhiên, Elon Musk chưa đưa ra mô tả chi tiết về việc công khai mã nguồn AI. Grok đã được xAI định vị như một giải pháp thay thế cho ChatGPT của OpenAI và các dịch vụ AI khác, Grok có khả năng trả lời những câu hỏi hóc búa mà hầu hết hệ thống AI khác từ chối.
Tờ WSJ nhận định, động thái trên giúp Grok sẽ có nhiều hơn số lượng người sử dụng bởi các nhà nghiên cứu và phát triển bên thứ ba, song song với đó, cộng đồng có thể cung cấp những phản hồi giúp cải thiện chatbot. Nhưng, một số chuyên gia trong ngành cũng lên tiếng cảnh báo các mô hình AI nguồn mở có thể bị kẻ xấu lợi dụng nhằm tạo ra vũ khí hoặc phát triển siêu trí tuệ có ý thức ngoài tầm kiểm soát của con người. Tuyên bố mở mã nguồn Grok cũng được cho là hành động Musk đang hướng tới OpenAI. Đầu tháng 3, CEO Tesla đã nộp đơn kiện OpenAI vì đã từ bỏ mô hình phi lợi nhuận và nguồn mở ban đầu để chuyển thành công ty vì lợi nhuận.
xAI được thành lập vào tháng 9/2023 để triển khai chatbot Grok cho người dùng đăng ký gói gói Premium+ của mạng xã hội X. Ông Musk đã từng ví von Grok là “AI tìm kiếm sự thật tuyệt đối”. Đây không phải là lần đầu một công ty của Musk mở khả năng tiếp cận công nghệ. Trước đó, Tesla đã công khai bằng sáng chế của mình và kết quả là hiện nay hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn đã sử dụng chuẩn đầu nối sạc xe điện của hãng.
Cùng ở mảng này, trước đó, Google đã phát hành Gemma cũng là mô hình AI mở và được tối ưu hóa cho Google Cloud, hành động này có thể thu hút các kỹ sư phần mềm xây dựng trên công nghệ của Google và khuyến khích việc sử dụng dịch vụ đám mây của hãng này. Tuy nhiên, Google không để Gemma thành nguồn mở hoàn toàn, tức Google vẫn có thể can thiệp vào việc đặt ra các điều khoản sử dụng và quyền sở hữu.
Tranh luận về nguồn mở AI đã thu hút được ý kiến của nhiều nhà đầu tư công nghệ, bao gồm Marc Andreessen (đồng sáng lập hãng đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz) và cả Vinod Khosla (rót tiền vào OpenAI lúc đầu).