Alibaba dự kiến sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu mới tại Việt Nam?

Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Alibaba đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu mới tại thị trường Việt Nam nhằm tuân thủ các yêu cầu pháp lý của cơ quan chức năng. Trong thời gian chờ đợi xây dựng, Alibaba sẽ tiếp tục thuê không gian máy chủ từ các đối tác như VNPT, Viettel…

Cụ thể, theo Nikkei, Alibaba đang thuê không gian đám mây từ các công ty dịch vụ viễn thông Việt bao gồm Viettel và VNPT. Hoạt động này đã được triển khai từ năm 2022 khi các yêu cầu của cơ quan chức năng buộc các công ty đa quốc gia như Google, Amazon phải lưu trữ dữ liệu trong nước.

alibaba-cloud-1714621239.jpg
Alibaba chia sẻ với Nikkei sẽ xây dựng một Trung tâm dữ liệu mới tại Việt Nam để lưu trữ thông tin, dữ liệu người dùng.

Theo ông Đặng Minh Tâm - Trưởng nhóm kiến trúc sư giải pháp của Alibaba Cloud, công ty sử đang sử dụng dịch vụ “colocation” (thuê máy chủ) từ các công ty Việt Nam để lưu trữ dữ liệu khách hàng tại địa phương. Alibaba cũng duy trì các bản sao lưu trên các “trang trại” máy chủ của mình ở các khu vực bao gồm Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore.

Động thái này là một phần trong chiến lược của Alibaba nhằm đảm bảo an ninh và kiểm soát dữ liệu tốt hơn, đồng thời có khả năng giảm chi phí và các vấn đề trách nhiệm pháp lý liên quan đến việc quản lý dữ liệu của nhiều công ty.

Việc xây dựng trung tâm dữ liệu của Alilbaba cũng nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao về hạ tầng đám mây phục vụ cho các dịch vụ số đang bùng nổ tại Việt Nam. Mặc dù vậy, công ty cũng chưa tiết lộ chi phí dự kiến đầu tư cũng như địa điểm, thời gian triển khai kế hoạch.

Các công ty bao gồm Nvidia, Apple và  Lam Research Corp trước đó cũng đã có những động thái kết nối với cơ quan chức năng trong nước để đa dạng hóa cơ sở chuỗi cung ứng của họ trong bối cảnh căng thẳng về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng.

Trước Alibaba, tập đoàn bán dẫn Lam Research (Mỹ) cũng đang cân nhắc việc chuyển chuỗi cung ứng  sang Việt Nam. Tại cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 20/3/2024, Phó Chủ tịch cấp cao của Tập đoàn này cũng cho biết, Lam Research đang dự kiến hợp tác với Seojin để phát triển nhà máy và chuỗi cung ứng trong giai đoạn 1 với số vốn từ 1 đến 2 tỷ USD tại Việt Nam. Sau giai đoạn này, Tập đoàn có thể đầu tư trực tiếp để mở rộng hoạt động tại thị trường tiềm năng như nước ta. 

Lãnh đạo “big tech” khác như Apple, Nvidia gần đây cũng đã có các cuộc gặp gỡ, trao đổi đối với lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan của Việt Nam nhằm chia sẻ thông tin, mong muốn mở rộng hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp công nghệ viễn thông trong nước. 

CEO Apple là Tim Cook mới đây cũng đã có chuyến công tác tại Việt Nam. Hãng tin Reuter trích dẫn, tập đoàn công nghệ này có thể sẽ tăng chi tiêu cho các nhà cung cấp ở Việt Nam trong năm nay. Apple đã và đang thực hiện một chiến dịch ổn định nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc trong một thời gian khá dài. Kể từ năm 2019, công ty đã đầu tư gần 16 tỷ USD (tương đương 400.000 tỷ đồng) vào Việt Nam thông qua chuỗi cung ứng và tăng hơn gấp đôi chi tiêu hàng năm tại Việt Nam trong cùng thời kỳ.

Trong khi đó, công ty dẫn đầu thị trường chip AI toàn cầu là Nvidia cũng đang hợp tác với các công ty công nghệ Việt Nam để phát triển AI.