Áp dụng bảng giá đất mới: Người dân sẽ không phải chịu chênh lệch quá lớn về nghĩa vụ tài chính

Lãnh đạo TP.HCM cho biết sẽ đóng góp ý kiến cho Nghị định về việc miễn, giảm tiền thuê và sử dụng đất của Chính phủ theo hướng đảm bảo quyền lợi cho người dân và giảm thiểu chênh lệch đối với những người có đất nằm trong quy hoạch.

Chiều 22/10, UBND TP.HCM đã tổ chức họp báo để công bố Quyết định 79/2024 về việc điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết quá trình điều chỉnh bảng giá đất sẽ được thực hiện một cách minh bạch và công bằng.

Đảm bảo người dân không chịu chênh lệch quá lớn

Mọi khoản lệ phí, thuế, tiền sử dụng đất, cũng như các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai đối với các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là hộ gia đình, sẽ được công khai. Đồng thời, tăng cường xử phạt về vi phạm đất đai để răn đe, giúp thị trường phát triển lành mạnh.

Việc xác định giá khởi điểm cho các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại những khu vực đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng sẽ diễn ra nhanh hơn, tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tiếp cận đất đai. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, việc điều chỉnh bảng giá đất cũng ảnh hưởng đến nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất của một số người dân.

nguyen-toan-thang-1729601580.jpeg
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

 Cùng với đó việc giá đất ở theo quyết định mới tăng mạnh so với trước, trong khi giá đất nông nghiệp chỉ điều chỉnh theo hệ số K, không thay đổi nhiều so với trước đây sẽ khiến người dân gặp bất lợi khi chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ phải đóng khoản tiền sử dụng đất lớn hơn. Bên cạnh đó, người có đất nằm trong quy hoạch treo cũng lo lắng sẽ tiếp tục chịu thiệt thòi với nghĩa vụ tài chính sau khi quy hoạch được dỡ bỏ.

Liên quan đến những lo ngại này, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, quá trình thu thập ý kiến đã tuân thủ đúng quy định, dựa trên 8 yếu tố và phản ánh tình hình kinh tế - xã hội cũng như giá đất thực tế của thành phố. Đối với đất nông nghiệp, thành phố đã cân nhắc để đảm bảo khoảng chênh lệch giữa giá đất nông nghiệp và đất ở không quá lớn.

Cũng theo ông Thắng, Nghị định miễn, giảm tiền thuê và sử dụng đất mà Chính phủ đang xây dựng sẽ lấy ý kiến đóng góp của các tỉnh, thành. Do đó, TP.HCM sẽ có cơ hội đóng góp ý kiến dựa trên tình hình thực tế với mục tiêu giải quyết quyền lợi cho người dân trong khu quy hoạch. Ông Thắng khẳng định TP.HCM sẽ có ý kiến để đảm bảo người dân không chịu chênh lệch quá lớn và quyền lợi chính đáng được đảm bảo.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, cho biết việc điều chỉnh giá đất được thực hiện theo đúng quy định pháp luật và là bước chuẩn bị cho việc áp dụng Luật Đất đai sửa đổi. Mặc dù đây là một vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, việc điều chỉnh vẫn cần thiết do bảng giá đất cũ đã không còn phù hợp với quy định hiện hành.

Cũng theo ông Cường, quá trình xây dựng bảng giá đất điều chỉnh đã được thực hiện kỹ lưỡng, lắng nghe ý kiến phản biện và điều chỉnh phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của từng địa phương. Liên quan đến thời điểm áp dụng bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã nhận hồ sơ của người sử dụng đất ở thời điểm nào sẽ áp dụng thời điểm đó.

bang-gia-dat-3-1729601561.jpg
Hồ sơ đât đai nộp tại thời điểm nào sẽ tính giá đất thời điểm đó

TP.HCM sẽ có bảng giá đất “sòng phẳng với thị trường” sau 31/12/2025

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, bảng giá đất điều chỉnh được xây dựng với mục tiêu từng bước tiệm cận giá thị trường. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, thành phố đã cân nhắc kỹ lưỡng để giảm thiểu tác động đến người dân và doanh nghiệp.

Ông Cường cũng nhấn mạnh rằng bảng giá đất điều chỉnh, có hiệu lực đến ngày 31/12/2025, được thiết kế để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đánh dấu quá trình đầu tiên Thành phố xây dựng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024, với tinh thần minh bạch và dựa trên giá thị trường.

“Thành phố sẽ thực hiện lộ trình và các bước đi chặt chẽ, nhằm đảm bảo không bị động và không ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách pháp luật trên địa bàn”, ông Cường nhấn mạnh.

Hiện, bảng giá điều chỉnh mới chỉ tiệm cận khoảng 50% so với giá thị trường, giảm so với mức khoảng 70% mà người dân TP.HCM cảm thấy "sốc" với dự thảo bảng giá hồi tháng 7. Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá rằng bảng giá theo Quyết định 02/2020 của UBND TP chỉ đạt khoảng 30% giá thị trường.

Việc áp dụng bảng giá đất mới sẽ có 12 đối tượng bị ảnh hưởng bao gồm giá đất tính tiền sử dụng đất tại khu tái định cư cho những người được bồi thường về đất ở hoặc được giao đất ở tái định cư trong trường hợp không đủ điều kiện bồi thường. Giá đất sẽ được xác định theo bảng giá tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Ngoài ra, bảng giá này cũng sẽ được sử dụng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của hộ gia đình và cá nhân. Bảng giá cũng sẽ áp dụng cho việc tính tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất, lệ phí và tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Đồng thời, bảng giá đất mới cũng xác định tiền bồi thường cho Nhà nước khi có thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất.

Để giảm bớt gánh nặng tài chính về việc chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình và cá nhân, Bộ Tài chính đang xây dựng và sửa đổi nghị định miễn, giảm và sẽ trình Thủ tướng quyết định sau khi có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện tại, UBND TP.HCM cũng đang xem xét tỷ lệ thu tiền thuê đất, dự kiến từ 0,25% đến 3%.