Trong văn bản góp ý Dự thảo Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tiếp tục kiến nghị điều chỉnh Điều 9 dự thảo nghị định về việc người dân và doanh nghiệp giao dịch với ngân hàng trên môi trường điện tử phải mua chữ ký số của các tổ chức cung cấp chữ ký số công cộng để thực hiện các giao dịch như nhận tiền gửi, tiền tiết kiệm, cấp tín dụng, giao dịch ngoại tệ,…
Tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp
VNBA cho rằng, quy định này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, ngoài ra còn làm tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Cũng theo VNBA, người dân và doanh nghiệp sẽ là người phải thanh toán số tiền phát sinh từ việc cấp, duy trì hiệu lực chữ ký số. Đáng nói, số tiền này sẽ vô cùng lớn, có thể lên tới hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn tỷ đồng/ngân hàng.
Phía VNBA lo ngại, khi thực hiện sẽ vấp phải sự phản ứng của người dân, doanh nghiệp và dư luận xã hội, bởi lẽ trước khi có quy định này thì họ không phải mất chi phí. Nhất là trong bối cảnh thu nhập của người dân và các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn.
VNBA cũng trích dẫn báo cáo của một ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cho biết, ngân hàng này có 12 triệu khách hàng, thực hiện 6,5 - 7 triệu giao dịch/ngày, khoảng 2,3 tỉ giao dịch trong một năm, bình quân 500 giao dịch/giây.
Như vậy, khi dự thảo nghị định chính thức có hiệu lực, tạm tính ở mức chi phí khảo sát tại một spps doanh nghiệp cung cấp chữ ký số là 550.000 - 1.800.000 đồng/năm/người thì chi phí mỗi năm cho tổng chi phí cho tất cả các giao dịch tại ngân hàng sẽ khoảng từ 6.600 - 21.600 tỉ đồng. Bên cạnh đó còn có các chi phí liên quan như vận hành hệ thống, cơ sở hạ tầng,…
Còn theo báo cáo của một ngân hàng, với 10,2 triệu khách hàng và 750 triệu giao dịch tài chính/năm, chi phí dự kiến để sử dụng chữ ký số sẽ khoảng 8.160 tỉ đồng nếu mua theo năm, 1.875 tỉ đồng nếu mua theo lần và 10 triệu USD phí chuyển đổi.
“Đây là mức chi phí vô cùng lớn nếu tính trên quy mô toàn bộ các tổ chức tín dụng. Quy định mới sẽ khiến ngân hàng tốn thêm nhiều thời gian khi phải đề nghị bên cung cấp chữ ký điện tử cũng cấp thông tin, chứng từ khi phát sinh khiếu nại, dẫn đến việc phát sinh thêm thủ tục không đáng có”, VNBA nhận định.
Rủi ro lớn khi giao dịch phụ thuộc vào bên thứ 3
Một vấn đề nữa mà VNBA băn khoăn, hàng năm các hoạt động khiếu nại, tranh chấp và tố tụng, xử lý thu hồi nợ của ngân hàng là rất lớn. Khi ngân hàng cần xuất trình các chứng cứ chứng minh về thao tác của khác hàng, chứng thư số, hiệu lực chữ ký số hoặc các thông tin liên quan đến giao kết hợp đồng, văn kiện thì sẽ phải đề nghị bằng văn bản gửi bên thứ 3 (bên cung cấp chữ ký điện tử).
Đại diện VNBA lo lắng, như vậy vừa không đảm bảo tính kịp thời, vừa phát sinh thêm thủ tục không đáng có. Bởi vì hệ thống công nghệ của các tổ chức tín dụng được đầu tư số tiền vô cùng lớn, đáp ứng đủ tiêu chuẩn quốc tế nếu được tạo lập chữ ký điện tử chuyên dùng cho khách hàng của mình.
Không chỉ vậy, khi hoạt động giao dịch của ngân hàng phụ thuộc hoàn toàn vào một hoặc một vài tổ chức thứ ba sẽ gây rủi ro rất lớn cho ngành ngân hàng. Như vậy, tính ứng dụng của quy định về chữ ký điện tử chuyên dùng không khả thi về mặt thực tiễn nếu phạm vi sử dụng bị hạn chế.
VNBA cũng bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ hướng tới mỗi người dân nên có 1 chữ ký số sử dụng cho các giao dịch công ích. Tuy nhiên, cần phải xem xét trong bối cảnh thực tiễn từ cơ sở vật chất, hậ tầng công nghệ và mức thích ứng dần của người dân. Đặc biệt, không làm xáo trộn hoạt động sản xuất kin doanh, không làm tăng chi phí đột biến cho người dân và doanh nghiệp.
“Khi người dân có mức thu nhập cao hơn, họ thấy rằng cần thiết phải có 1 chữ ký số cho riêng mình, họ sẽ lựa chọn và quyết định. Các quy định dưới luật không nên áp đặt để tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp” - đại diện VNBA nêu.
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA cho biết, hiện nay chỉ có 5% tổng số khách hàng giao dịch tại ngân hàng sử dụng chữ ký số. Nguyên nhân và thách thức chính là do chi phí chữ ký số cá nhân còn khá lớn. Và ngân hàng cũng cần chi phí lớn để đầu tư hệ thống, mua chữ ký số cho cán bộ, nhân viên và các chi phí cho hạ tầng các nền tảng ký số, xác thực chữ ký số.
Cũng theo ông Hùng, nhiều khách hàng còn chưa quen với việc ký số và quan ngại về giá trị pháp lý nhất là khi xảy ra các tranh chấp, phải tham gia tố tụng. Việc áp dụng chữ ký số trong giao dịch ngân hàng, nhất là với số lượng khổng lồ các giao dịch giá trị nhỏ có thể làm hệ thống nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, đòi hỏi ngân hàng phải có tốc độ nhanh trong công tác xử lý.