Áp lực con một trong tương lai: 1 người có thể phải chăm sóc 6 người

Mỗi gia đình chỉ sinh một con với công thức 4-2-1, tức 1 đứa trẻ được chăm sóc bởi 2 bố mẹ và 4 ông bà nội, ngoại. Tương lai, vấn đề mới "nan giải" theo công thức ngược lại 1-2-4, tức là 1 đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc 2 bố mẹ và 4 ông bà nội, ngoại.

6 người lớn chăm 1 đứa trẻ

Chị Nguyễn Thanh Lương (34 tuổi, quận Phú Nhuận, TP. HCM) có một cô con gái 7 tuổi. Chị Lương chia sẻ, chị cũng từng muốn sinh thêm một bé nữa cho có chị có em. Nhưng mới nghĩ đến cảnh có thêm con, chị không biết sẽ xoay xở thế nào. Bởi hiện tại, mới có một bé mà chị đã thấy gần như không có thời gian cho bản thân. Cứ hết việc trong công ty về đến nhà lại đầy ắp việc nhà đến tận tối khuya lên giường đi ngủ. Thế nên, vợ chồng chị quyết định dừng lại ở 1 con.

 Vài năm trở lại đây, TP. HCM đều "báo động" về tình trạng phụ nữ sinh ít con. Năm 2024, thành phố đặt chỉ tiêu duy trì tổng tỷ suất sinh ở mức 1,36 con/phụ nữ. Mức này thấp hơn nhiều so với cả nước là 2 - 2,2 con/phụ nữ. Ông Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP. HCM cho biết, với mức sinh của thành phố, tức là rất nhiều gia đình chỉ sinh một con.

con-mot-1-1722083449.jpg
Tỷ lệ các cặp vợ chồng chọn sinh 1 con ngày càng nhiều

Hiện chưa có nhiều nghiên cứu về những áp lực của con một tại Việt Nam. Tuy nhiên ở một số nước châu Á, con một thường kèm theo sự kỳ vọng rất lớn từ gia đình về sự thành đạt cộng thêm áp lực phụng dưỡng cha mẹ theo truyền thống. Đây chính là một vấn đề rất thách thức của thế hệ con một trong xã hội ngày nay.

Ông Trung chia sẻ, các chuyên gia đã nhận định được mô hình nhân khẩu học từ câu chuyện thế hệ con một tại Trung Quốc: Mỗi gia đình chỉ sinh một con với công thức 4-2-1, tức 1 đứa trẻ được chăm sóc bởi 2 bố mẹ và 4 ông bà nội, ngoại. Tương lai, vấn đề mới "nan giải" theo công thức ngược lại 1-2-4, tức là 1 đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc 2 bố mẹ và 4 ông bà nội, ngoại.

Ông Trung cho rằng, rất có thể những đứa trẻ ngày hôm nay được chăm sóc rất kỹ lưỡng bởi sáu người lớn sẽ thiếu khả năng, kỹ năng chăm sóc lại chính bản thân và sáu người cao tuổi trong tương lai.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho rằng, xu hướng sinh ít con hiện nay trong tương lai sẽ là gánh nặng không chỉ với mỗi gia đình mà còn là gánh nặng cho xã hội. Nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho thấy, người cao tuổi có 14 năm sống chung với bệnh tật. Bởi vậy, trong tương lai, nếu 1 người phải chăm sóc cho 2 người già hoặc 4 người già thì gánh nặng kinh tế sẽ rất lớn. Ngoài ra, già hóa dân số còn đặt thách thức lên hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Thế nên, thay vì khẩu hiệu "chỉ sinh một hoặc hai con", các chuyên gia hiện đồng tình với việc khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Việc sinh đủ 2 con sẽ góp phần cải thiện mức sinh của thành phố, kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số.

con-mot-1722083449.jpg
Tương lai, 1 đứa trẻ phải cùng lúc chăm sóc 2 bố mẹ và 4 ông bà nội, ngoại

Áp lực thực của con một

Anh Nguyễn Trung Quân (27 tuổi, Lâm Đồng) khi đang là sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Sư phạm TP. HCM đã phải tạm dừng việc học vì cha mắc ung thư phổi. Ban đầu, anh Quân chỉ muốn bảo lưu kết quả học tập, về phụ mẹ chăm sóc cha vì anh là con một.

Tuy nhiên, bệnh tình của cha anh ngày càng chuyển biến nặng. Hai tháng trong bệnh viện, nhìn cha xanh xao, mẹ héo mòn vì lo lắng đã khiến anh nhận ra mình phải là trụ cột gia đình. Được hơn 3 tháng thì cha anh mất, mẹ anh gần như gục ngã. Lo đám tang cho cha xong, anh Quân quyết định ở lại quê để làm chỗ dựa cho mẹ. Hai năm sau, anh lập gia đình để "yên bề gia thất" theo nguyện vọng của mẹ.

Anh Quân bộc bạch, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ là việc mà một người con phải làm. Anh có chút tiếc nuối vì biến cố lớn ập đến nên phải gác lại đam mê của bản thân và về nhà làm tròn trách nhiệm của người con. Nhưng anh không hối hận vì quyết định này. Hiện tại, anh cùng vợ trồng rau để bán, cuộc sống tuy không mấy dư dả nhưng ổn định.

Đã 26 tuổi nhưng Trần Tố Loan (quận 5, TP. HCM) vẫn chưa dám yêu đương, hay nghĩ tới những chuyến du lịch… vì gia đình còn khoản nợ cần trả. 4 năm trước, gia đình Loan vay tiền của một công ty tài chính để xây nhà. Thời điểm đó, dịch Covid-19 bùng phát khiến cha mẹ cô bị mất việc, dẫn đến không thể trả góp hàng tháng.

Chỗ cho vay liên tục tạo áp lực. Là con một trong nhà, Loan khi đó mới ra trường, chưa tìm được việc làm nhưng đã đứng ra mượn tiền để trả nợ cho công ty tài chính. Sau đại dịch, cô lên TP. HCM, xin làm nhân viên văn phòng tại một công ty quảng cáo. Thu nhập của Loan khoảng 10 triệu đồng/tháng. Cô luôn phải tằn tiệm để gửi tiền về nhà trả nợ.

Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia chia sẻ, áp lực của người con một ở độ tuổi trưởng thành là rất lớn, như phải mang nhiều kỳ vọng của cha mẹ về việc thành công, kết hôn, sinh con…; hay trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già yếu. Để giải tỏa những áp lực này, phải giải quyết vấn đề từ nhiều phía.

Cần nhìn nhận, có những áp lực không phải là trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc. Tuy nhiên, vì chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ mà phải hy sinh ước mơ, hoài bão thì nên cân nhắc kỹ. Con một nên bày tỏ nguyện vọng của bản thân và đưa ra những giải pháp khác, hãy làm như thế nào dù có ở xa vẫn quan tâm, chăm lo được cho cha mẹ, để họ bớt cô đơn… Bởi nếu con một phải hy sinh hạnh phúc, sự nghiệp để chăm lo cho cha mẹ, thì sau này người hối tiếc nhất lại là phụ huynh.

Còn thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui - giảng viên khoa tâm lý học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. HCM) nhận định, có rất nhiều thứ được và mất ở những gia đình con một. Như với phụ huynh, rõ ràng quá trình sinh, chăm một con sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn. Nhưng ngược lại, chắc chắn sẽ chịu sự áp lực của họ hàng là những thế hệ trước, nỗi lo tuổi già neo đơn...