Áp lực lớn của 2 chiều lãi suất

Giới chuyên gia cho rằng, nếu áp lực tỷ giá không suy giảm sẽ không loại trừ khả năng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước lại yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, các ngân hàng liên tục thay đổi biểu lãi suất, hiện mức cao nhất hệ thống đã lên đến 5,9-6%/năm. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất huy động đã tăng từ 30-50 điểm so với cuối tháng 3/2024 nhưng vẫn thấp hơn so với cuối năm 2023.

Lãi suất huy động tăng liên tiếp

Chỉ tính riêng trong tháng 6, đã có 23 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động, nhiều nhà băng thậm chí điều chỉnh lãi suất 2-3 lần. Ngay trong những ngày đầu tháng 7, làn sóng này lại được tiếp tục khi một loạt ngân hàng cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động như Eximbank, NCB, SeABank, OCB...

Có nhà băng còn gây bất ngờ khi tăng lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng lên mức 4,7%/năm, tiệm cận với trần lãi suất 4,75%/năm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định.

Lý giải nguyên nhân của đà tăng lãi suất, giới phân tích cho rằng, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp ghi nhận mức thấp trong những tháng đầu năm, cùng với đó là tăng trưởng tín dụng phục hồi khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn.

lai-suat-huy-dong-1720749907.jpg

Lãi suất huy động liên tục thay đổi trong thời gian gần đây

Bên cạnh đó, hoạt động can thiệp của NHNN thông qua các công cụ tín phiếu và bán ngoại tệ cũng ảnh hưởng tới thanh khoản của các ngân hàng.

Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng thêm 0,7 – 1,0 điểm % từ nay cho tới cuối năm, lên mức tương đương vùng đáy Covid-19 giai đoạn 2020-2021.

Cũng theo KBSV, tỷ giá trong ngắn hạn vẫn là áp lực chính khiến lãi suất huy động tăng. Trong kịch bản cơ sở, KBSV cho rằng, tỷ giá chưa thể sớm hạ nhiệt, thậm chí còn căng thẳng tại một số thời điểm khiến NHNN phải tiếp tục các biện pháp can thiệp nhằm ổn định, chống đầu cơ tỷ giá.

Những điều này sẽ tác động trực tiếp đến thanh khoản hệ thống và làm tăng lãi suất huy động, đặc biệt là ở nhóm NHTM tư nhân vừa và nhỏ có nguồn huy động kém linh hoạt và các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng tốt.

Đồng quan điểm, các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, lãi suất huy động đã trải qua đợt phục hồi từ vùng đáy với mức tăng bình quân khoảng 0,3-0,5 điểm % so với cuối tháng 3/2024, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 0,15-0,45 điểm % so với cuối năm ngoái.

VDSC cho rằng, lãi suất huy động tăng trở lại là một kịch bản phù hợp với bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn còn dai dẳng, kéo theo không loại trừ khả năng NHNN sẽ có một đợt tăng lãi suất điều hành từ 0,2-0,5 điểm % trong quý III.

Lãi vay phải duy trì ở mức nền thấp

Cho rằng diễn biến của tỷ giá sẽ tạo áp lực lên lãi suất và các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục duy trì đà tăng lãi suất huy động trong nửa cuối năm 2024, nhưng PGS.TS Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, lãi suất cho vay sẽ tăng theo.

Thông thường, ngân hàng sẽ dựa vào dòng vốn bình quân đầu vào để quyết định đầu ra. Hiện tại, dòng vốn giá rẻ vẫn còn vì lượng tiền gửi kỳ hạn 3-6 tháng vẫn còn nhận lãi suất thấp, nhưng dòng vốn rẻ đi qua sẽ chuyển sang dòng vốn giá cao, bắt buộc ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp nên việc tăng lãi suất cho vay cũng không quá cao.

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN vừa yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tiết giảm tối đa chi phí, để có thể giảm lãi suất cho vay 1-2%. Các ngân hàng vẫn đang nỗ lực thực hiện yêu cầu này với minh chứng rõ ràng là trong 5 tháng đầu năm 2024, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,9%, nhanh hơn tốc độ giảm của lãi suất huy động giai đoạn trước.

lai-vay-1720749961.png

NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tiết giảm tối đa chi phí, để có thể giảm lãi suất cho vay

Tuy nhiên, việc tiếp tục giảm lãi vay cho trong dài hạn sẽ là một vấn đề khó khăn bởi trong thời gian dài 2 năm vừa qua, các ngân hàng đã phải tiết giảm khá nhiều chi phí. Do đó,  lãi suất cho vay trong giai đoạn tới về cơ bản cũng sẽ ổn định.

Thực tế, dù liên tục phải điều chỉnh lãi suất huy động theo chiều hướng tăng, nhưng trong giai đoạn tới lãi suất cho vay không thể tăng, ngay cả khi có độ trễ. Điều này thể hiện rất rõ ở việc, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 6.

Cụ thể, tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức cận trên từ 6,5 -7%, lạm phát dưới 4,5% và thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024, tạo nền tảng thuận lợi và giữ đà, giữ nhịp phát triển cho năm 2025.

Trong đó, NHNN tiếp tục duy trì các chính sách điều hành tiền tệ, tăng trưởng tín dụng phù hợp góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiết kiệm chi phí, hạ lãi suất cho vay. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Đưa ra quan điểm về tình hình của 2 chiều lãi suất, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính cho rằng, nhiều nhà băng đang phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối vốn nhưng với chính sách kiểm soát của NHNN, đặc biệt là không cho phép các ngân hàng cho vay dưới chuẩn, phải tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay, thì mức tăng lãi suất huy động trong năm 2024 dự kiến chỉ khoảng 1%/năm.