Áp lực nợ nần, doanh nghiệp bất động sản tung “át chủ bài” huy động vốn

Trong bối cảnh nguồn vốn ngân hàng nhỏ giọt, thị trường trái phiếu chưa thể khởi sắc, các doanh nghiệp bất động sản đã tìm được lối thoát trên thị trường chứng khoán để tiếp tục những kế hoạch tăng trưởng.

Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) vừa thống nhất phương án chào bán gần 1,2 tỉ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, tương đương tổng giá trị thu về khoảng 11.700 tỉ đồng. Tỉ lệ thực hiện quyền là 10:6 và không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian phát hành dự kiến từ quý II đến quý IV, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký theo quy định.

Tương tự, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) cũng chào bán hơn 134 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, để huy động hơn 1.343 tỉ đồng. Thời gian đăng ký quyền mua là từ 16/5 đến 5/6.

cp-bat-dong-san-1715688473.jpg

Nhiều phương án phát hành cổ phiếu đã được nhóm doanh nghiệp bất động sản đồng loạt công bố

 

Một “ông lớn” bất động sản khác là Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán:DXG) cũng muốn phát hành hơn 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá tối thiểu là 12.000 đồng/cp (tương ứng tỉ lệ 24:05) và không bị hạn chế chuyển nhượng.

Ngoài ra, Đất Xanh còn muốn chào bán 93,5 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá tối thiểu 18.600 đồng/cp, tương đương tổng giá trị phát hành đạt 1.791 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này Đất Xanh sẽ sử dụng vào việc góp vốn và tăng tỉ lệ sở hữu tại công ty con.

Không nằm ngoài xu thế, Công ty CP Phát triển Nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (Hodeco) cũng có kế hoạch chào bán gần 20 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ 1.000:148. Giá chào bán là 15.000 đồng/cp. Thời gian nhận đăng ký và nhận tiền mua cổ phiếu sẽ từ ngày 10/5 đến 5/6.

Hàng loạt các phương án phát hành cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, áp lực đáo hạn trái phiếu đang ở mức cao nhất trong 3 năm gần đây (khoảng 300.000 tỷ đồng), trong đó nhóm bất động sản chiếm khoảng 44,2%.

Đáng chú ý, mục đích phát hành của các doanh nghiệp bất động sản đối với các phương án phát hành bên cạnh việc bổ sung nguồn vốn kinh doanh, thì một phần tiền không nhỏ được sử dụng vào mục đích trả nợ. Sự “khốn khó” của các doanh nghiệp bất động sản được thể hiện rõ nét ở báo cáo tài chính quý I/2024.

Đơn cử như Novaland, tính đến cuối tháng 3/2024, công ty đang ghi nhận khoản nợ phải trả lên đến 191.778 tỷ đồng, cao gấp 4,2 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay tài chính khoảng 58.232 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu là 38.626 tỷ đồng.

Hay như tại Công ty CP Nhà Khang Điền (mã chứng khoán:KDH) tổng nợ phải trả ghi nhận hơn 11.651 tỷ đồng. Dư nợ tài chính là 7.674 tỷ đồng, 82% trong số này là vay dài hạn (cả ngân hàng và trái phiếu). Tại Phát Đạt, ngoài khoản nợ vay tài chính hơn 3.500 tỷ đồng, công ty còn hơn 7.635 tỷ đồng các khoản phải trả ngắn hạn khác, chiếm 65% tổng nợ phải trả.

ganh-nang-no-nan-1715688660.png

Nợ phải trả ở mức cao đang là gánh nặng của các doanh nghiệp bất động sản

 

Theo báo cáo cập nhật ngành bất động sản nhà ở mới đây của VIS Rating, khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu, ngay cả khi dòng tiền được cải thiện. Nguyên nhân do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024. Hệ số nợ/EBITDA (đo lường khả năng thanh toán nợ phát sinh của công ty) là 8,7 lần trong năm 2023, so với mức 7 lần năm 2022 do tăng trưởng nợ cao hơn tăng trưởng lợi nhuận. Tỷ lệ nợ ngắn hạn/tổng nợ năm 2023 lên tới 45%, cao nhất trong 5 năm qua.

Thực tế, việc phát hành cổ phiếu trước mắt có thể giúp các doanh nghiệp giảm gánh nặng về nợ, nhưng giới chuyên gia cho rằng, việc vốn điều lệ tăng thêm trong khi hoạt động kinh doanh chưa mang lại hiệu quả tương ứng thì có thể khiến các đơn vị phát hành chịu rủi ro dưới sự thiếu bền vững của thị trường chứng khoán.

Đưa ra nhận định về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng,  việc phát hành cổ phiếu sẽ có lợi cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn vốn nhưng kết quả không phải lúc nào cũng như mong muốn. Bởi nếu thị trường không thuận lợi, hoặc tiềm năng doanh nghiệp không hấp dẫn sẽ rơi vào tình cảnh không ai mua, cổ đông hiện hữu sẽ trở nên lo ngại mà có hoạt động bán ra. Ngoài ra, cổ phiếu có thể còn được mua bởi các công ty đối thủ với tham vọng “thâu tóm”, gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, mặc dù phương á phát hành cổ phiếu có thể giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng nợ, nhưng vẫn còn nhiều rủi ro, cần sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý thị trường để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.