Áp lực tinh thần nặng nề đằng sau vẻ hào nhoáng của nghề livestream

Nghề livestream đang trở thành xu hướng trong thời đại số, đặc biệt là khi thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ. Mức thu nhập hấp dẫn từ nghề livestream thu hút không ít người tham gia. Tuy nhiên, đằng sau ánh hào quang của nghề này là những mặt trái và áp lực mà không phải ai cũng lường trước được.

Bị xúc phạm đến bật khóc

Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, livestream (phát trực tiếp) đã trở thành công cụ bán hàng hấp dẫn cho nhiều tiểu thương và doanh nghiệp. Hình thức này không chỉ giúp các nhà kinh doanh gia tăng doanh thu mà còn lan tỏa thương hiệu, tiếp cận rộng rãi đối tượng khách hàng.

Ngày càng nhiều người chọn mua sắm trên các buổi livestream vì tính tiện lợi và nhanh chóng. Theo dự báo của Boston Consulting Group (BCG), thị trường livestream bán hàng tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sẽ đạt giá trị 25 tỷ USD vào năm 2025.

nghe-livesrteam-1727615138.png
Nghề livestream mang lại thu nhập cao

Song song với tiềm năng phát triển, nghề livestream thuê cũng trở thành một lựa chọn phổ biến, với mức thu nhập hấp dẫn. Trên các trang tin tuyển dụng, mức lương dành cho mẫu livestream toàn thời gian dao động từ 8-15 triệu đồng.

Ngoài ra, livestream thời vụ cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người, với thù lao từ 70.000 đến 150.000 đồng/giờ - cao hơn nhiều so với các công việc bán thời gian khác. Tuy nhiên, thực tế công việc livestream thuê không phải lúc nào cũng như mong đợi.

Nguyễn Linh có ngoại hình thu hút và khuôn mặt ưa nhìn. Cô đã biết tận dụng thế mạnh của mình để làm các công việc bán thời gian như mẫu ảnh. Tuy nhiên, vào cuối năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Linh phải tạm dừng công việc này. Thay vào đó, cô chuyển sang làm livestream giới thiệu sản phẩm cho một cửa hàng hoa quả nhập khẩu.

Dù đã có kinh nghiệm làm mẫu ảnh, nhưng Linh vẫn gặp nhiều khó khăn khi bước chân vào lĩnh vực mới. Không chỉ có ca hát, trò chuyện hay chơi game cho khán giả như trước, Linh phải học cách giới thiệu sản phẩm một cách chuyên nghiệp, thân thiện, không gây phản cảm. Linh cũng phải dành thời gian tìm hiểu và trải nghiệm các sản phẩm để đưa ra đánh giá chính xác, khách quan hơn.

Sự nỗ lực của Linh đã mang lại kết quả tích cực khi cô liên tục nhận được lời mời quảng bá sản phẩm từ nhiều nhãn hàng khác nhau. Nếu như công việc thu ngân hoặc phục vụ chỉ mang lại thu nhập từ 20.000 - 25.000 đồng/giờ cho sinh viên, thì với livestream, Linh có thể kiếm được từ 150.000 - 300.000 đồng/giờ.

Nhờ công việc livestream, ngay khi còn là sinh viên, Linh đã có thu nhập đều đặn từ 15 - 20 triệu đồng/tháng, con số mà nhiều người đi làm lâu năm cũng ao ước. Tuy nhiên, để đạt được mức thu nhập đó, Linh phải đối mặt với nhiều áp lực và thách thức.

Cô gái trẻ chia sẻ, đằng sau vẻ hào nhoáng trên mạng là những áp lực tinh thần nặng nề, sự xúc phạm trên không gian ảo, thậm chí là sức khỏe bị ảnh hưởng. Mỗi tối khi livestream, cô luôn xuất hiện với hình ảnh xinh đẹp và đầy năng lượng. Tuy nhiên, không ít lần cô gặp phải những bình luận tiêu cực, xúc phạm, khiến Linh phải tắt livestream giữa chừng, rồi ôm mặt khóc.

Linh bảo, những lời bình luận như "lép thế", "trán dô", "nói chuyện nhạt quá"… thậm chí là những lời khiếm nhã hơn khiến cô suy nghĩ rất nhiều, bị tổn thương sâu sắc.

nghe-livesrteam-1-1727615138.jpg
Người livestream chịu áp lực tinh thần nặng nề, đôi khi cả sự xúc phạm trên không gian ảo

Trả giá bằng sức khỏe

Nguyễn Hiền từng làm livestream thuê ở TP. Thủ Đức (TP. HCM). Cô đã phải từ bỏ công việc này sau hơn một năm gắn bó vì áp lực công việc và ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiền chia sẻ, dù mức thù lao từ 150.000 - 250.000 đồng/giờ là khá hấp dẫn, nhưng cái giá phải trả là thời gian và sức khỏe. Có những ngày livestream kéo dài liên tục, cô không thể ăn uống vì quá mệt. Chính sách của sàn yêu cầu người livestream không được im lặng quá 5 giây, điều này khiến cô phải nói liên tục trong nhiều giờ, dẫn đến mệt mỏi và kiệt sức.

Trong những dịp giảm giá lớn như siêu sale hoặc mega live, Hiền thường phải đứng suốt nửa ngày, nói không ngừng nghỉ. Cô bảo, có những lần livestream cảm thấy chóng mặt, suýt ngất, nhưng vẫn phải cố gắng hoàn thành công việc. Nếu không giữ được thần thái và năng lượng tốt trong suốt phiên live, cô có thể bị nhãn hàng phạt tiền từ vài triệu đến chục triệu đồng.

Thành Vinh (quận Bình Thạnh, TP. HCM) cũng từng kiếm được thu nhập khá cao từ nghề livestream. Tuy nhiên, hiện tại với sự cạnh tranh gia tăng, công việc livestream không còn mang lại thu nhập như trước. Mức thù lao đã giảm đáng kể, từ 500.000 đồng/giờ cộng với 5% doanh thu của phiên live, nay chỉ còn 200.000 - 300.000 đồng/giờ và 1 - 2% doanh thu.

Vinh cũng cho biết, lượng người xem livestream cũng giảm mạnh, từ hàng nghìn người trước đây chỉ còn vài chục người, thậm chí có khi không ai theo dõi. Vinh nói thêm, dù nghề livestream đang là một xu hướng trong thời đại bùng nổ của thương mại điện tử, nhưng công việc này vẫn đặt ra nhiều thách thức. Đòi hỏi livestreamer phải kiên nhẫn, chịu áp lực và sáng tạo không ngừng để duy trì công việc và thu hút khách hàng.

Liên quan đến công việc này, bà Bạch Liên Hương - Giám đốc Sở Lao động Thương Binh Xã hội Hà Nội cho biết, trong danh mục 77 nghề đào tạo của thành phố có 15 nghề mới, trong đó có nghề đang "lên ngôi" là livestream bán hàng trên mạng. Điều này cho thấy, nghề này hấp dẫn như thế nào.

Tuy nhiên, nghề livestream mang lại thu nhập hấp dẫn và nhiều cơ hội, nhưng mặt trái của nó là không thể phủ nhận. Áp lực về sức khỏe, sự cạnh tranh gay gắt và những rủi ro từ mạng xã hội đã khiến nhiều người trong nghề gặp khó khăn. Để thành công và duy trì sự nghiệp trong lĩnh vực này, những người làm livestream cần phải có sự kiên nhẫn, bản lĩnh và khả năng thích nghi cao.