Bán thứ thị trường cần: Chiến lược sống còn của doanh nghiệp địa ốc

Chung cư cao cấp đang “chiếm sóng” thị trường nhà ở nhưng lại “kén” khách, để thu về dòng tiền ổn định hơn, nhiều doanh nghiệp lựa chọn chiến lược “bán thứ thị trường cần”.

Trong nhiều năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng làm gia tăng nhu cầu về nhà ở trong khi nguồn cung ngày càng nghiêng về các sản phẩm cao cấp, giá trị lớn, phục vụ mục đích đầu tư, đầu cơ, phân khúc nhà ở vừa túi tiền gần như “biến mất”.

Thực tế, số liệu từ các tổ chức thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm 2024 vẫn có rất nhiều các dự án đã mở bán tại nhiều địa phương, tuy nhiên bảng giá neo ở mức cao.

Cụ thể, tại Hà Nội, có khoảng hơn 3.000 căn hộ được mở bán mới nhưng không có căn nào ở mức giá vừa phải. Điển hình một dự án lớn được chú ý nằm tại khu vực đại lộ Thăng Long có mức giá bán công bố ban đầu rơi vào khoảng từ 70-80 triệu đồng/m2.

Giới phân tích cho biết, với mức giá khoảng 2-3 tỉ đồng gần như không thể mua được căn hộ chung cư 2 phòng ngủ tại Hà Nội.  Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại TP.HCM, mức giá trung bình của các dự án mới mở bán ghi nhận 75 triệu đồng/m2, cá biệt có những dự án lên tới hơn 140 triệu đồng/m2.

chung-cu-cao-cap-1718865881.jpg
Phân khúc căn hộ cao cấp đang "chiếm sóng" thị trường

Trong khi đó, dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, tỷ trọng nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc bình dân (dưới 25 triệu đồng/m2) trên tổng nguồn cung nhà ở liên tục tụt giảm, từ mức 30% của năm 2019 còn 7% vào năm 2022 và 6% vào năm 2023.

Giai đoạn 2019-2022, tỷ trong căn hộ trung cấp (25-50 triệu đồng/m2) cũng sụt giảm xuống mức lần lượt là 54%, 46%, 34%, 27% với nguồn cung chủ yếu đến từ các sản phẩm có giá 40-50 triệu đồng/m2.

Trong khi, nhu cầu mua nhà ở thực luôn dẫn đầu trong cơ cấu nhu cầu nhà ở với tỷ trọng 80%, còn lại 15% là cầu đầu tư dài hạn và 5% là nhu cầu đầu cơ. Và chỉ có khoảng 25% nhu cầu mua nhà ở thực có khả năng tài chính để chuyển hóa thành cầu thực.

Từ những thực tế này, VARS cho rằng, trong chiến lược phát triển 2024-2025, “bán thứ thị trường cần” là phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội sẽ là xu hướng phát triển chính và mạnh mẽ của các doanh nghiệp bất động sản. Bởi đây là phân khúc xuất phát từ nhu cầu và khả năng thực tế của đại đa số người dân.

Đồng quan điểm với VARS, trong thời gian qua,nhiều doanh nghiệp công bố chiến lược phát triển mới, trong đó tập trung hoàn thiện pháp lý để tái khởi động các dự án, ưu tiên phát triển nhà ở vừa túi tiền, có thanh khoản cao. Ngay cả các “ông lớn” chuyên dòng sản phẩm cao cấp như Vingroup, Novaland… cũng đã bắt đầu “chuyển hướng” sang phân phúc “thị trường cần”.

nha-o-thuong-mai-gia-thap-1718865868.jpg
Nhà ở thương mại vừa túi tiền được xem là chiến lược sống còn của doanh nghiệp địa ốc

Cụ thể, Vinhomes đã khởi công 2 dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng và Khánh Hòa. Hay mới đây, Novaland đã “bắt tay” với Hoàng Quân phát triển các dự án nhà ở xã hội tại những quỹ đất mà Tập đoàn đang có sẵn ở TPHCM, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Long An… Becamex IDC lên kế hoạch vừa xây dựng, vừa mở rộng từ 10.000 - 20.000 căn nhà ở xã hội như dự án nhà ở xã hội Việt Sing (TP Thuận An) và Định Hòa (TP Thủ Dầu Một).

Tương tự, đại diện Nam Long Group cho biết, trong 3 chiến lược trọng tâm năm 2024, công ty ưu tiên phát triển phân khúc đang có nhu cầu lớn hiện nay, tránh đầu tư vào những sản phẩm ít được khách hàng quan tâm. Do vậy, các dự án nhà ở vừa túi tiền phù hợp với từng lợi hình, khu vực nhất định sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của công ty giai đoạn tới.

Công ty bất động sản An Gia trong chia sẻ mới đây cũng cho biết sẽ chú trọng phát triển phân khúc nhà ở vừa túi tiền với giá bán ở mức trung cấp, bình dân, hướng đến phục vụ nhu cầu hiện tại mà thị trường cần.