Bán vàng online: Nếu không tăng nguồn cung sẽ chỉ ổn định được thời gian ngắn

Chuyên gia cho rằng nếu NHNN vẫn tiếp tục bán vàng “nhỏ giọt” như hiện nay sẽ phát sinh ra một thị thị trường khác bán với giá khác cao hơn, có thể chênh 2-3 triệu đồng/lượng so với giá Nhà nước niêm yết, hay nói cách khác là tình trạng 2 giá trên thị trường vàng.

Ngay sau khi Big 4 ngân hàng (Agribank,Vietcombank, VietinBank, BIDV) “đồng thuận” dừng bán hàng trực tiếp, chuyển sang bán trực tuyến (online) và Công ty SJC chỉ bán vàng qua đăng ký trên điện thoại từ đầu tuần (ngày 17/6) đã gần như chấm dứt tình trạng chen lấn, xếp hàng mua vàng diễn ra suốt mấy tuần qua.

Đến ngày 20/6, Công ty SJC cũng chính thức thông báo bắt đầu triển khai đăng ký mua vàng trực tuyến. Sau khi đăng ký thành công, khách hàng đến trụ sở chính theo đúng thời gian được hện để giao dịch. Nếu quá giờ hẹn, công ty sẽ hủy lịch để phục vụ khách hàng khác.

Chấm dứt hoàn toàn cảnh xếp hàng

Hiện, giá vàng tại 5 đơn vị này vẫn được giữ ở mức “bình ổn” 76,98 triệu đồng/lượng chiều bán ra, chiều mua vào tại SJC cũng “bình ổn” ở mức 74,98 triệu đồng/lượng.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, mặt tích cực của việc bán hàng online là thay vì ngồi chầu trực từ 3-4h sáng tại các điểm bán vàng được cấp phép, người dân có thể ngồi tại bất kỳ đâu với các thiết bị điện tử cũng có thể đăng ký mua vàng.

Điều này đã tránh tạo ra không khí sốt vàng khi lượng người xếp hàng đông đúc, thậm chí xếp hàng nhiều ngày mới mua được. Cùng với đó, kiểm soát được tình trạng đầu cơ, gom giữ vàng khi xác thực được danh tính người mua, số lượng mua.

vietcombank-1719016264.jpg
Một điểm bán vàng của Vietcombank trên phố Láng Hạ (Hà Nội) đã không còn cảnh xếp hàng

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc chuyển từ bán vàng trực tiếp sang bán online là một việc làm tích cực, tạo điều kiện để tăng tính công khai, minh bạch trong giao dịch. Đồng thời giải quyết được tình trạng xếp hàng, chen lấn xô đẩy gây phản cảm và tình trạng tâm lý thị trường bất ổn những nhiều ngày qua.

Tương tự, một số chuyên gia khác cũng đánh giá, việc lượng người xếp hàng quá lớn trong khi ai cũng mang theo một “cái đầu nóng” cũng là cơ hội cho những thành phần có ý đồ xấu tung tin thất thiệt, dụ dỗ mua vàng ở nơi khác, hoặc xếp hàng hộ để lấy công, đầu cơ, trục lợi.

Chị Thu Huyền (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, từ khi các đơn vị bán vàng của Nhà nước chuyển sang bán online với mức giá đứng im trong cả chục ngày qua, chị cũng không còn sốt sắng với vàng vì có đến mua tại các điểm bán cũng không được nên tích cực đăng ký trực tuyến, chờ đến lượt thành công. Điều này giúp chị vẫn đảm bảo được công việc hàng ngày vì không phải dành lượng lớn thời gian đi xếp hàng.

Tương tự, anh Thành Nam (Hà Nam) cũng chia sẻ, sau khi các ngân hàng đồng loạt triển khai việc bán vàng trực tuyến, cùng với việc giá vàng không tăng giảm trong nhiều ngày, tâm lý phải mua bằng được vàng giá Nhà nước của anh đã không còn, thay vào đó là kiên nhẫn “xếp hàng” online.

Ghi nhận thực tế tại các điểm bán vàng trực tiếp của các ngân hàng trên địa bàn cũng cho thấy, không còn tình trạng dòng người xếp hàng lấy số, chờ mua vàng nữa. Khu vực giao dịch cũng khá vắng vẻ, chỉ có các khách hàng đến làm các thủ tục liên quan đến tài khoản ngân hàng, nộp tiền, rút tiền.

Xem xét biện pháp lâu dài

Dù đánh giá cao việc triển khai bán vàng online nhưng các chuyên gia đều chung quan điểm cần xem xét mở rộng việc bán vàng hơn nữa. Bởi, hầu hết các đơn vị này vẫn đều hạn chế số lượng vàng khách hàng mua. Tại các ngân hàng, mỗi khách hàng chỉ được mua 1 lượng vàng.

Còn ở SJC chưa có thông báo giới hạn số lượng vàng mỗi khách hàng được mua nhưng nhiều ngày qua khi bán trực tiếp, công ty này cũng chỉ giới hạn 1 lượng vàng/lần giao dịch.

Ngoài giới hạn số lượng được mua, các đơn vị này cũng không ghi nhận thêm đăng ký mới khi đã đủ số lượng đăng ký tối đa có thể phục vụ trong ngày và chỉ nhận giao dịch với những khách hàng có lịch hẹn sau khi đăng ký online thành công. Do vậy, không phải khách hàng nào cũng có thể đăng ký mua được vàng vì hệ thống của các đơn vị luôn trong tình trạng quá tải, hết lượt đặt chỗ chỉ sau và phút.

vang-1719016219.jpg
Giới chuyên gia cho rằng, cần trả vàng về cho thị trường

Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, để ổn định được thị trường vàng phải đi cùng 2 điều kiện gồm: giá vàng phù hợp – điều kiện này Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đáp ứng tốt; nguồn cung dồi dào mới giữ được mức giá như hiện nay, nếu không sẽ chỉ ổn định trong một thời gian ngắn.

Nếu NHNN vẫn tiếp tục bán vàng “nhỏ giọt” như hiện nay sẽ phát sinh ra một thị thị trường khác bán với giá khác cao hơn, có thể chênh 2-3 triệu đồng/lượng so với giá Nhà nước niêm yết, hay nói cách khác là tình trạng 2 giá trên thị trường vàng. Nhiều người dân do nhu cầu cấp bách sẽ sẵn sàng chấp nhận giá thị trường mà giao dịch ở các điểm bán không phải của NHNN giao phó.

Trước tình trạng chưa thể ổn định này, câu chuyện có nên áp dụng quy định giá trần đối với thị trường vàng hay không cũng được đưa ra bàn luận.

Một số ý kiến cho rằng, NHNN có thể đưa ra mức giá trần phù hợp để thị trường không vượt qua. Bởi lẽ, Việt Nam đang chủ trương thị trường vàng là thị trường buôn bán tự do dưới sự định hướng của Chính phủ. Vì vậy, nếu quy định giá trần sẽ có khoảng 50% được kiểm soát.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, về lâu dài, việc kiểm soát này sẽ làm hạn chế cạnh tranh, có thể phát sinh thị trường “chợ đen”. Về lâu dài vẫn phải trả vàng về cho thị trường. Do vậy, việc sửa đổi Nghị định 24, xóa bỏ độc quyền thương hiệu vàng quốc gia SJC và trao việc nhập khẩu vàng cho các doanh nghiệp để “thị trường hóa” mặt hàng này 1 cách toàn diện.