Bảng giá đất điều chỉnh sẽ kéo thu ngân sách của TP. HCM tăng trở lại

Hàng vạn hồ sơ đất đai bị tắc nghẽn trong thời gian qua tại TP. HCM không chỉ ảnh hưởng đến thị trường chung mà còn khiến nguồn thu từ sử dụng đất của thành phố sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc công bố bảng giá đất điều chỉnh trước ngày 15/10 sẽ giúp thành phố có triển vọng phát triển tốt hơn và đảm bảo nguồn thu ngân sách theo dự toán.

Tại buổi làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, trong 9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách của TP.HCM ước thực hiện đạt 371.307 tỷ đồng, tương đương 76,9% kế hoạch và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Hà Nội ghi nhận số thu ngân sách là 376.430 tỷ đồng, đạt 92,1% kế hoạch và tăng 22,2% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách giảm vì tắc nghẽn giao dịch đất đai

Nêu ý kiến về số liệu này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đây là lần đầu tiên Hà Nội vượt TP.HCM về số thu ngân sách. Trong khi đây là thành phố năng động, là cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực và thế giới và lâu nay luôn đóng góp lớn nhất cho ngân sách quốc gia.

Lý giải nguyên nhân tình trạng này, Thứ trưởng Lê Tấn Cận cho biết, nguyên nhân chính do các vấn đề liên quan đến lĩnh vực đất đai và tình hình phục hồi sau đại dịch. Cụ thể, tiền thu sử dụng đất của Hà Nội trong 9 tháng qua đạt gần 33.000 tỷ đồng, trong khi TP HCM chỉ đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 27.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, tình trạng giao dịch đất đai không được triển khai hiệu quả đã ảnh hưởng đến các khoản thuế từ giao dịch, chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đất, thu nhập và cả thuế VAT, tạo ra sự chênh lệch giữa TP.HCM và Hà Nội.

thu-ngan-sach-1728202526.jpg

Lần đầu tiên TP.HCM thu ngân sách thấp hơn Hà Nội

Về mặt phục hồi sau đại dịch, TP.HCM hiện có gần 280.000 doanh nghiệp, trong khi Hà Nội có dưới 200.000 doanh nghiệp. Ông Cận cho biết khi triển khai phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, tình hình kê khai thuế tại TP.HCM giảm sút hơn so với Hà Nội, cho thấy sự phục hồi của các doanh nghiệp tại Hà Nội tốt hơn.

Tuy gặp khó khăn và số thu ngân sách giảm so với Hà Nội, Thứ trưởng Tài chính khẳng định TP.HCM vẫn sẽ hoàn thành và dự kiến thu vượt 2% kế hoạch ngân sách. Bởi lẽ, việc công bố bảng giá đất điều chỉnh trước ngày 15/10, giúp thành phố có triển vọng phát triển tốt hơn và đảm bảo nguồn thu ngân sách theo dự toán.

Theo dự thảo, giá đất tại nhiều địa bàn sẽ tăng trung bình từ 5-10 lần, và ở một số khu vực ngoại thành và ven TP.HCM có thể tăng từ 15-50 lần so với hiện tại (chưa nhân hệ số K). Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định giá đất này chỉ bằng 70% giá thị trường. Do chưa có bảng giá điều chỉnh, hàng vạn hồ sơ đất đai bị ùn tắc do tắc khâu tính thuế.

Đến ngày 21/9, UBND TP. HCM đã cho phép tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành để tính thuế cho các hồ sơ phát sinh từ ngày 1/8, trong khi chờ ban hành bảng giá đất mới. Đến ngày 29/9, Cục Thuế TP. HCM đã giải quyết hơn 14.300 hồ sơ thuế đất, tương đương hơn 90% tổng số hồ sơ tồn đọng.

Kỳ vọng khởi sắc trong quý IV

Ngay từ khi Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thông báo về việc điều chỉnh bảng giá đất, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM đã nhận định, việc điều chỉnh này là yêu cầu cấp thiết, không chỉ giúp tính toán tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất thu tiền hàng năm, mà còn hỗ trợ trong việc tính thuế thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, và xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp khu đất đã được đầu tư hạ tầng theo quy hoạch chi tiết do đã sát với giá thị trường.

Đồng tình, kỹ sư Trần Văn Phương, người đã theo dõi thị trường bất động sản TP.HCM nhận định, trong thời gian dài, nhiều giao dịch bất động sản đã lợi dụng sự lỏng lẻo của luật pháp để “lách thuế”. Người bán thường đóng thuế thu nhập cá nhân và thuế trước bạ thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế của giao dịch.

dat-dai-tphcm-1728202590.jpg

Nhiều ý kiến cho rằng việc TP.HCM ban hành điều chỉnh bảng giá đất mới sẽ giúp ngăn chặn tình trạng “lách luật”

Nhiều ý kiến cho rằng, việc TP.HCM ban hành điều chỉnh bảng giá đất mới sẽ giúp ngăn chặn tình trạng “lách luật” để khai thấp giá trị nhà đất nhằm trốn thuế, từ đó tăng nguồn thu ngân sách cho thành phố hàng nghìn tỷ đồng từ thuế thu nhập chuyển nhượng bất động sản trong tương lai.

Theo thông tin từ batdongsan.com, nhu cầu tìm kiếm bất động sản tại TP.HCM đang có xu hướng tăng trưởng tích cực. Trong tháng 7/2024, mức độ quan tâm đến hầu hết các loại hình bất động sản đã tăng đến 9% so với cùng kỳ năm trước.

Nổi bật nhất là thị trường cho thuê chung cư, với lượt tìm kiếm tăng tới 24% so với cùng kỳ. Các chuyên gia dự báo rằng, từ nay đến hết quý IV/2024, những dự án căn hộ cao tầng có pháp lý rõ ràng sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm và dẫn dắt thị trường.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vn cho biết, trong giai đoạn hiện tại, thanh khoản xuất hiện chủ yếu ở các loại hình phục vụ nhu cầu mua để ở thực như căn hộ và nhà riêng. Xu hướng này được dự đoán sẽ kéo dài đến quý IV và kết thúc giai đoạn thăm dò vào đầu năm 2025, khi thị trường bước vào chu kỳ củng cố, nguồn cung hồi phục và giá cả bắt đầu tăng trưởng.