Báo động tình trạng lừa đảo đặt online nhà hàng, khách sạn dịp lễ

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay kéo dài tới 5 ngày nên người dân có nhiều kế hoạch du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng điều đó, các đối tượng xấu đã thực hiện các chiêu trò lừa đảo online để chiếm đoạt tiền của những người có nhu cầu đặt nhà hàng, khách sạn trong thời gian cao điểm này.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), lợi dụng thói quen đặt vé online, mua các suất du lịch giá rẻ, tìm kiếm các suất ưu đãi trên mạng của người dân, trong dịp nghỉ lễ dài ngày này, các đối tượng lừa đảo sẽ gia tăng các hoạt động, dẫn dụ và chiếm đoạt tài sản của người dân. 

Về mặt thủ đoạn, thông qua mạng xã hội, các kênh quảng cáo mạng, chúng sẽ tiếp cận, chào bán các dịch vụ cho những người có nhu cầu. Sau đó, chúng sẽ làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán cùng con dấu của công ty du lịch và dụ nạn nhân chuyển khoản để thanh toán trước các dịch vụ bao gồm đặt tour, đặt phòng, đặt nhà hàng khách sạn, cơ sở nghỉ dưỡng,… Sau khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng lừa đảo sẽ chặn liên lạc và xóa dấu vết.

Đây thực chất không phải là hình thức lừa đảo mới. Trước đó, Cục cũng đã nhiều lần cảnh báo người dân về tình trạng lừa đảo mua combo du lịch giá rẻ với các phương thức tương tự. Những đối tượng lừa đảo sẽ lợi dụng thói quen đặt vé online của người dân để chiếm đoạt tài sản, khiến người dân không chỉ tiền mất mà còn “tật mang” bởi các vé đặt trước này sẽ không có giá trị sử dụng, làm lỡ dở kế hoạch của bản thân, gia đình và bạn bè.

Bên cạnh đó, theo Cục, chỉ trong những ngày gần đây, cũng đã ghi nhận tình trạng một số nhà hàng, dịch vụ nấu ăn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng bằng chiêu trò đặt tiệc, nhờ mua rượu, thực phẩm cho khách.

lua-dao-dat-tiec-1714316614.jpg

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) vừa có cảnh báo tới người dân, các chủ nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống nâng cao tinh thần cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo mùa du lịch.

Theo đó, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng tài khoản mạng xã hội liên hệ nhà hàng A.L.B trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn đặt tiệc tiếp khách. Sau khi trao đổi, thống nhất về các món ăn, giá thành, chúng còn yêu cầu nhà hàng chuẩn bị rượu vang để sử dụng và đặt số lượng lớn loại nước uống hồng sâm của Hàn Quốc làm quà tặng cho khách dự tiệc.  Nhà hàng này đã ngay lập tức tìm cách liên hệ với nhiều nhà cung cấp nhưng không thể tìm được đúng loại yêu cầu của "khách". Lúc này, chính “khách hàng” lại giới thiệu cho nhà hàng một cơ sở có bán và số điện thoại để liên hệ.

Đến sát thời gian như đã đặt tiệc, các đối tượng lừa đảo đã gửi cho nhân viên nhà hàng hình ảnh nội dung thể hiện việc chuyển khoản thành công số tiền đặt hàng vào tài khoản nhà hàng cung cấp. 

Do kiểm tra, chưa thấy tiền về đến tài khoản, nhân viên nhà hàng đã gọi đến ngân hàng hỏi thì được biết có thể số tiền đến chậm do chuyển khoản liên ngân hàng. Trong thời điểm này, “khách hàng” gọi điện liên tục thông báo khách sắp đến dự tiệc và hối thúc nhà hàng chuẩn bị. Tin tưởng, nhà hàng chuyển số tiền đặt hàng cho phía cửa hàng bán rượu và hồng sâm. Tuy nhiên sau đó, chẳng có khách nào đến nhà hàng dự tiệc, rượu và hồng sâm đặt giúp cũng không ai mang đến. Trong khi đó, qua kiểm tra, phát hiện “khách vip” cũng như đại diện cửa hàng hồng sâm đã chặn tin nhắn của nhà hàng và xóa kết bạn.

Thủ đoạn trên cũng khiến nhiều nhà hàng khách sạn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Để phòng tránh và ngăn ngừa tình trạng kể trên, Cục An toàn thông tin đã nhanh chóng đưa ra khuyến cáo tới người dân và chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống lừa đảo. Khi tiếp nhận các đơn đặt hàng, đặc biệt là các đơn hàng có giá trị lớn, cần tra cứu ký thông tin qua mạng viễn thông, mạng xã hội để tránh bị lừa đảo. Khi có tình huống phát sinh, cần chia sẻ rộng rãi để những người khác cùng biết và kịp thời phòng tránh.

“Chủ nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng không nên nhận chuyển khoản hay thanh toán hộ cho những đối tượng không rõ danh tính, kiểm tra kỹ nội dung biên lai và chỉ nên thực hiện khi chắc chắn tài khoản của mình nhận được tiền của đối tượng. Trường hợp phát hiện những hành vi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an gần nhất để xử lý theo đúng pháp luật”, Cục An toàn thông tin nhấn mạnh.

Đối với các hình thức lừa đảo combo du lịch mùa lễ hội, Cục cũng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước các lời mời chào rẻ tới 30-50% so với giá chung củ thị trường, đặc biệt thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp.

lua-dao-du-lich-1714316737.jpg

Khi dính bẫy của các đối tượng lừa đảo mạng, lừa mua combo du lịch giá rẻ, đặt phòng giá rẻ, vé tàu xe giá rẻ,... người dân dễ lâm vào những tình huống "bơ vơ" nơi đất khách, tiền mất tật mang.

Với những người có nhu cầu đi du lịch nước ngoài, cần cẩn trọng trước những lời mời chào quảng cáo dịch vụ làm visa, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. Sau khi người dân có nhu cầu chuyển tiền, chúng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ,… sau đó lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền…

Ngoài ra, Cục cũng khuyến cáo về tình trạng làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, đại lý máy bay… làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk…