Báo động tình trạng nhiều trẻ vị thành niên mắc bệnh trầm cảm

Các chuyên gia tâm lý cho biết, hiện tượng mắc trầm cảm của học sinh ngày càng diễn biến phức tạp, thậm chí có những em vì vượt quá sức chịu đựng của bản thân đã dẫn tới nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Thông tin từ Bộ Y tế, tính đến năm 2023, Việt Nam có khoảng 14 triệu người rối loạn tâm thần. Riêng bệnh trầm cảm, ước tính có khoảng 3,2 triệu người. Ở lứa tuổi vị thành niên, tỷ lệ mắc trầm cảm chiếm 5 - 8%. Một khảo sát khác tại Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM cho thấy, có tới 8 - 20% trẻ em và vị thành niên Việt Nam gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần chung.

Số liệu này thể hiện một phần nguyên nhân dẫn đến sự tự ti, khó hòa nhập với xã hội, bạo lực học đường, bạo lực mạng, hiệu suất học tập kém, hạ thấp giá trị của bản thân... Điều này hình thành những hành vi lệch lạc và ở mức độ trầm trọng hơn có thể khiến trẻ có xu hướng nghĩ về cái chết, tự tử.

tram-cam-1-1722731666.jpg
Hiện tượng mắc trầm cảm của học sinh ngày càng diễn biến phức tạp

Nhiều chuyên gia tâm lý cho biết, hiện tượng mắc trầm cảm của học sinh ngày càng diễn biến phức tạp, thậm chí có những em vì vượt quá sức chịu đựng của bản thân đã dẫn tới nhiều hệ lụy đáng tiếc khác. Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Giào - Viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục cho rằng, "cơn bão trầm cảm" đang trở thành một vấn nạn rất nan giải trong nhà trường, xã hội hiện nay.

Cuối năm 2023, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An tiếp nhận nữ sinh H. (17 tuổi, học tại một trường THPT công lập ở Nghệ An) trong tình trạng tâm thần không ổn định, thậm chí còn có ý định tự sát. Mẹ của H. cho biết, thấy con có biểu hiện tâm lý bất thường, gia đình đã đưa con đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Bạch Mai nhưng vẫn không biết rõ bệnh tình của con vì trong quá trình thăm khám, H. đều yêu cầu mẹ ra ngoài.

Sau đó, gia đình mới đưa H. tới Bệnh viện Tâm thần Nghệ An khám. Qua gần 2 tuần điều trị, H. từ một người sống khép kín, buồn rầu, chán nản, em đã có những chuyển biến tích cực, hợp tác với bác sĩ trong quá trình thăm khám. Em cũng đã cởi mở hơn khi bắt đầu chia sẻ về suy nghĩ của mình.

tram-cam-1722731666.jpg
Số lượng học sinh phải nhập viện do các rối loạn tâm lý ngày càng gia tăng (Ảnh: Mỹ Hà)

Bác sĩ Chuyên khoa II Lâm Hiếu Minh - Phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM chia sẻ, trầm cảm là một sát nhân vô hình và cực nguy hiểm ở mọi lứa tuổi, nhất là độ tuổi thanh thiếu niên hiện nay. Có những em đến viện trong trạng thái tự hủy hoại bản thân bằng những vật sắc nhọn nhằm giải tỏa tâm lý. Quá trình chia sẻ, các em nói rằng khi tự lấy dao lam cứa tay mình, em cảm thấy dễ chịu hơn, giải tỏa được những bức xúc trong lòng.

Theo bác sĩ Lâm Hiếu Minh, hậu Covid-19, số lượng thanh thiếu niên đến khám tâm lý tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM tăng 30%. Các em gặp nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần đáng lo ngại như rối loạn lo âu, rối loạn nghiện ngập, đáng chú ý là rối loạn trầm cảm với các biểu hiện nghiêm trọng như có ý định tự hủy hoại bản thân mình, tự sát.

Bác sĩ Minh nhấn mạnh, nhiều trẻ bị rối loạn trầm cảm thường có triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với suy nhược như mệt mỏi, mất ngủ, giảm năng lượng, khó tập trung. Đa phần trẻ gặp vấn đề rối loạn tâm thần đến khám muộn, việc điều trị khó khăn. Do vậy, cha mẹ cần chú ý quan tâm con nhiều hơn để kịp thời phát hiện các dấu hiệu tâm thần bất thường ở trẻ.

Giáo sư Cao Tiến Đức - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý Y học, khoa Tâm thần, Bệnh viện 103 cũng nhấn mạnh, trẻ từ 10 tuổi trở đi, bố mẹ cần phải để ý những dấu hiệu bất thường để có thể phát hiện ra trẻ nhỏ có ý định hoặc hành vi tự sát sớm.

Sự bao dung, thấu hiểu của cha mẹ rất quan trọng vì lứa tuổi vị thành niên nhân cách chưa hoàn thiện, dễ phát sinh ý nghĩ tiêu cực. Bố mẹ nên cân nhắc, tìm từ ngữ phù hợp để dạy bảo con, không nên quá kỳ vọng gây ra những áp lực tâm lý không đáng có cho con.

Một vấn đề nghiêm trọng khác là việc giới trẻ sống thử, quan hệ tình dục không an toàn, có thai ngoài ý muốn, phá thai. Trong năm học 2022 - 2023, kết quả điều tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, tỷ lệ quan hệ tình dục của thanh thiếu niên trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần trong vòng 6 năm.

Tháng 6/2022, Hội Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam đã công bố, trung bình mỗi năm cả nước trung bình có gần 300.000 ca nạo phá thai mỗi năm, chủ yếu ở độ tuổi 15-19, trong đó có 70% là học sinh, sinh viên.