Bất động sản miền Bắc sẵn sàng "lên dây cót" đón dòng vốn đầu tư

Liên tiếp giữ vị trí top 10 trung tâm thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất Việt Nam, thị trường bất động sản Hà Nội và 5 tỉnh trọng điểm phía Bắc được nhận định đã sẵn sàng tăng tốc đón dòng vốn đầu tư cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Ngày 4/4, Cushman&Wakefield (công ty cung cấp dịch vụ bất động sản toàn cầu) đã công bố báo cáo thị trường bất động sản miền Bắc. Báo cáo dẫn số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Hà Nội và 5 tỉnh trọng điểm miền Bắc tiếp tục giữ vị trí top 10 trung tâm thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất Việt Nam, với lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 16,7 tỷ USD trong năm 2023.

Một số dự án đầu tư lớn ở khu vực phía Bắc trong năm 2023 như: Dự án của Thermal Power Plant tại Thái Bình (2 tỷ USD); dự án của Jinko Solar Hải Hà tại Quảng Ninh (1,5 tỷ USD); dự án của LG Innotek Việt Nam tại Hải Phòng tăng vốn đầu tư thêm 1 tỷ USD và nhà máy bán dẫn của Amkor Technology tại Bắc Ninh (1,6 tỷ USD).

bat3-1712225397.jpg
Thị trường bất động sản Hà Nội và các tỉnh trọng điểm phía Bắc đã sẵn sàng tăng tốc.

Bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield cho biết, thị trường bất động sản Hà Nội và các tỉnh trọng điểm phía Bắc trở nên hấp dẫn và sẵn sàng tăng tốc đón dòng vốn đầu tư trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Sự tăng trưởng của bất động sản khu vực miền Bắc là do khả năng tiếp cận thông qua mạng lưới hạ tầng của 7 tuyến đường cao tốc và tiếp tục triển khai hệ thống gồm 7 tuyến đường vành đai. Từ đó, tạo vị trí địa lý khu vực thuận lợi để đón nhận làn sóng mở rộng đầu tư từ các nhà sản xuất lớn.

Theo bà Trang Bùi, những năm 2018-2019, thị trường nhà ở miền Bắc đã có sự phát triển ấn tượng nhưng sau đó có phần chững lại do kinh tế toàn cầu trì trệ. Hiện, cả chủ đầu tư lẫn người mua đều đang trong tâm thế chờ đợi phê duyệt cũng như luật đất đai mới thực thi.

Tính đến quý I/2024, khu vực nói trên có 670 dự án, với 370.000 căn hộ. Nguồn cung tương lai sẽ tiếp tục phát triển về phía Tây, ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận trong bán kính 30km như Bắc Ninh, Hưng Yên.

Báo cáo cũng nêu, ngày càng nhiều trung tâm đô thị quy mô lớn tham gia vào thị trường, hình thành các thành phố vệ tinh mới trong tương lai tại Quảng Ninh và Hải Phòng. Đến năm 2033, ước tính thị trường sẽ có hơn 1.000 dự án với ít nhất 650.000 căn hộ.

Đối với thị trường nhà liền thổ, hiện đang có 550 dự án với 120.000 căn và được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tiếp theo. Ngoài ra, còn ghi nhận sự phát triển các dự án ngoài Hà Nội, hướng đến những mô hình xanh và lối sống bền vững.

Bà Cúc Lê - Giám đốc nghiên cứu và định giá Cushman & Wakefield Việt Nam đánh giá, với những lợi thế vốn có và kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, thị trường bất động sản khu vực phía Bắc gần như đã sẵn sàng tăng tốc để bước lên một nấc thang phát triển mới.

bat33-1712225410.jpg
Hà Nội và 5 tỉnh trọng điểm miền Bắc tiếp tục giữ vị trí top 10 trung tâm thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất Việt Nam.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của Cushman & Wakefield Việt Nam nhìn nhận, trong những thập kỷ qua, bất động sản có phần tách biệt giữa: Sống, làm việc và vui chơi. Giờ đây, các dự án cần phải kết hợp cả ba, tạo ra nhiều không gian bán công cộng và chất lượng cao cho các cuộc hội họp, giải trí, sự kiện…

Để mang lại sự phát triển bền vững và lợi ích lâu dài, chủ đầu tư và các bên tham gia vào bất động sản tại khu vực cần phải có chiến lược đúng đắn. Cushman & Wakefield Việt Nam kỳ vọng vào placemaking (hay còn gọi là sáng tạo địa điểm, nơi chốn). Đây là khái niệm mới mẻ nhằm thúc đẩy khả năng sống ở đô thị sẽ được đề cao và ngày càng phổ biến trong việc xem xét quy hoạch cho tất cả các dự án địa ốc.