Bắt giữ hàng nghìn bánh Trung thu không rõ nguồn gốc: Nguy cơ ngộ độc bủa vây người tiêu dùng

Việc ăn bánh Trung thu có tồn dư hóa chất công nghiệp, nhân bánh không bảo đảm còn có thể gây ngộ độc cấp tính như đau bụng, buồn nôn, nguy hiểm hơn, nó còn tích tụ dần vào cơ thể gây nên những ảnh hưởng cho sức khỏe sau này, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Liên tiếp phát hiện bánh Trung thu không rõ nguồn gốc

Ngày 24/8, Công an quận Thanh Khê (TP. Đà Nẵng) cho biết, đang tạm giữ tang vật hơn 800 bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, triệu tập làm việc với chủ hàng để làm rõ. Trước đó, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Thanh Khê bất ngờ kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ K96 Điện Biên Phủ (phường Chính Gián, quận Thanh Khê).

Thời điểm kiểm tra, lực lượng công an phát hiện 810 sản phẩm bánh Trung thu các loại có nhãn mác ghi bằng chữ nước ngoài. Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa nêu trên. Người này thừa nhận đã mua bánh Trung thu số lượng lớn "trôi nổi" từ nhiều nguồn trên mạng xã hội để bán lại kiếm lời.

banh-trung-thu-1724547922.jpg
Lực lượng chức năng Đà Nẵng thu giữ hàng nghìn bánh Trung thu

Trước đó, ngày 15/8, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 Cục QLTT TP. Đà Nẵng kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh bánh kẹo N.L trên đường Kỳ Đồng (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê). Cơ quan chức năng phát hiện cửa hàng N.L đang kinh doanh gần 1.800 bánh Trung thu các loại như nhân trứng muối, trứng chảy…

Không riêng Đà Nẵng, nhiều địa phương khác cũng liên tiếp bắt giữ hàng nghìn bánh trung không rõ nguồn gốc. Tại Hà Nội, ngày 22/8, Đội QLTT số 11 phối hợp với Công an quận Hà Đông kiểm tra địa điểm kinh doanh thực phẩm tại số 47, ngõ 10, đường Nguyễn Văn Lộc, (phường Mộ Lao, quận Hà Đông).

Đoàn kiểm tra phát hiện 1.408 chiếc bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất, nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Đội Quản lý thị trường số 11 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

banh-trung-thu-1-1724547922.jpg
Bánh thu không rõ nguồn gốc bị QLTT Hà Nội bắt giữ

Ngày 20/8, Đội QLTT số 5 phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an quận Hai Bà Trưng tiến hành khám 26 thùng carton chứa bánh Trung thu tại địa chỉ số 338 Trần Khát Chân (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng).

Kết quả kiểm tra, Đội QLTT số 5 đã thu giữ tổng cộng 2.496 chiếc bánh Trung thu do chủ hàng hóa chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Ngày 16/8, Đội QLTT số 5 cũng đã thu giữ 900 chiến bánh Trung thu các loại không rõ nguồn gốc phố Tây Kết, Hai Bà Trưng. Chủ cơ sở khai, bánh Trung thu này từ Trung Quốc, được nhập khẩu và đang lưu thông tại thị trường Việt Nam, nhưng lại không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo. Đội QLTT số 3 đã tạm giữ toàn bộ số bánh Trung thu trên để ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính và làm căn cứ xử phạt.

Nguy cơ ngộ độc cao

Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho biết, thị trường bánh Trung thu hiện đang hết sức sôi động với nhiều chủng loại khác nhau, đa dạng cho người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, lợi dụng thời điểm này, các đối tượng tuần ra thị trường một số mặt hàng bánh kẹo nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trà trộn cùng bánh kẹo Trung thu được kiểm định chất lượng để trục lợi.

banh-trung-thu-2-1724547922.jpg
Nguy cơ ngộ độc cao khi ăn phải bánh Trung thu không rõ nguồn gốc

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh, những mặt hàng này rất có thể chứa chất chưa được phép sử dụng tại Việt Nam hoặc có thể gây nguy hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. Người dân cần lưu ý bánh Trung thu là một mặt hàng thực phẩm, do đó nên mua tại các gian hàng bán bánh Trung thu được phép kinh doanh.

Hiện nay, bánh Trung thu giá rẻ, không nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được bán tràn lan trên các hội nhóm, chợ mạng.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại Điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, nhiều sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép, chứa các chất độc hại, bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm...

Do vậy, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng (tên nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, hướng dẫn bảo quản...). Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, không bị dập nát biến dạng, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng, không có màu sắc khác thường và không có mùi khác lạ.

PGS.TS Trần Đình Toán (Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng) cho hay, vấn đề bánh Trung thu dùng hóa chất, chất tạo mùi công nghiệp gây ảnh hưởng đến sức khỏe không phải bàn cãi. Bởi nếu người sản xuất thủ công, nhỏ lẻ không tuân thủ các quy chuẩn an toàn, sử dụng hóa chất, phẩm màu, chất bảo quản quá ngưỡng... đều có nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Mức độ độc hại của hóa chất tạo màu, tạo mùi công nghiệp là rất lớn. Khi bị nhiễm vào cơ thể có thể gây tổn hại đến tất cả các cơ quan nội tạng, thần kinh và bề mặt da khi tiếp xúc trực tiếp… Việc ăn bánh Trung thu có tồn dư hóa chất công nghiệp, nhân bánh không bảo đảm còn có thể gây ngộ độc cấp tính như đau bụng, buồn nôn. Nguy hiểm hơn, nó còn tích tụ dần vào cơ thể gây nên những ảnh hưởng cho sức khỏe sau này, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.