Bắt tạm giam Trưởng ban quản trị chung cư Araya: Lời cảnh tỉnh cho các vụ “xà xẻo” quỹ bảo trì

Những kẽ hở trong việc quản lý quỹ bảo trì đã khiến nhiều thành viên trong ban quản trị nảy sinh ý đồ thiếu minh bạch. Tuy nhiên, liên tiếp những vụ việc được đưa ra "ánh sáng", nhiều người đã bị xử lý hình sự như một lời cảnh tỉnh đến những người đã và đang có ý định "xà xẻo" khoản tiền chung này.

Công an TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) vừa có quyết định khởi tố bắt tam giam đối với ông Phạm Hoàng Liên (41 tuổi) – Trưởng ban quản trị Chung cư Araya (phường Xuân Phú, TP Huế) vì tội tham ô tài sản.

Cụ thể, tháng 9/2022, UBND TP Huế đã ban hành quyế định công nhận Ban quản trị tòa nhà CT1 và CT2 chung cư Aranya với 5 thành viên. Phạm Hoàng Liên được phân công làm Trưởng ban quản trị. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, cho đến ngày bị bắt, Liên đã nhiều lần xin tạm ứng và nhận kinh phí bảo trì của chủ đầu tư hơn 1,1 tỉ đồng.

bao-tri-1722064067.jpg
Trục lợi quỹ bảo trì chung cư đã trở thành vấn nạn

Ngoài việc sử dụng nguồn tiền này để bảo trì, sửa chữa các hạng mục của tòa nhà bị hư hỏng thì Liên còn chuyển vào tài khoản cá nhân và tạm ứng hơn 68 triệu đồng. Ngày 25/7, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Huế đã tiến hành khám xét nơi ở và thu giữ nhiều tài liệu khai khống, chi tiêu nhưng không chứng minh được mục đích. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra xử lý theo đúng pháp luật.

Hồi đầu tháng 3/2024, Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt giam Phạm Phương - nguyên Trưởng ban quản trị; Đinh Việt Cường, Phó ban quản trị chung cư Miếu Nổi và Phan Dương Đại - nhân viên Công ty thang máy Đại Tiến cùng về tội “Tham ô tài sản”.
Cụ thể, trong thời gian còn là Trưởng ban quản trị nhà chung cư Miếu Nổi, ông Phạm Phương đã bàn bạc với Phan Dương Đại lắp đặt 2 thang máy cho lô B và 2 thang máy cho lô C của chung cư. Sau đó, nâng khống giá trị thang máy trong hợp đồng, qua đó chiếm đoạt số tiền chênh lệch.
Theo đó, ông Phương đã yêu cầu nâng khống 1 thang máy lô B (tải trọng 1,6 tấn) từ 800 triệu lên hơn 1 tỉ đồng, 3 thang còn lại mỗi thang nâng thêm 200 triệu đồng. Quá trình thực hiện, ông Phương bàn bạc, trao đổi và nhận được sự đồng ý của ông Cường.
Kết quả điều tra ban đầu xác định ông Đại chiếm đoạt 500 triệu đồng, ông Phương chiếm đoạt 235 triệu đồng và ông Cường chiếm đoạt 100 triệu đồng.

Trước đó, cơ quan điều tra Công an TP.HCM đã đề nghị truy tố đối với Huỳnh Thụy Phương Thảo – nguyên Trưởng ban quản trị và bị can Lê Văn Tuất – thành viên ban quản trị Cao ốc Thịnh Vượng (quận 2 cũ, nay là TP Thủ Đức) về tội “tham ô tài sản” do chiếm đoạt quỹ bảo trì của cư dân chung cư.

Được biết, sau khi đảm nhận chức vụ vào năm 2017, Huỳnh Thụy Phương Thảo và Lê Văn Tuất đã được cư dân thống nhất cho đứng tên đồng sở hữu hai sổ tiết kiệm 3,3 tỉ đồng từ tiền quỹ bảo trì do cư dân đóng góp. Tuy nhiên, cần tiền tiêu xài nên 2 bị can đã thế chấp sổ tiết kiệm vay lại 2,8 tỉ đồng. Khi đến hạn trả nợ, do không có tiền trả nên Thảo và ông Tuất tiếp tục ký giấy rút hết tiền để trả vào khoản vay trước đó với tổng số tiền là 3,3 tỉ đồng.

Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình với “vấn nạn” trục lợi, chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư tại nhiều nơi, trong khoảng thời gian dài. Điển hình gần đây, tại quận Phú Nhuận, TP.HCM, khi một số thành viên ban quản trị thông đồng rút ruột hơn 20 tỷ đồng quỹ bảo trì (một nửa quỹ bảo trì của dự án); hay cư dân tại một chung cư trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân cũng tố ban quản trị có dấu hiệu gây thất thoát hàng tỉ đồng.

quy-bao-tri-chung-cu-1722064012.jpg
Các kẽ hở trong khâu quản lý hoạt động khiến các quỹ bảo trì rơi bào "tầm ngắm" của ban quản trị

Tương tự, vụ việc xảy ra tại một chung cư thuộc khu vực Mỗ Lao (quận Hà Đông), cư dân cũng nghi ngờ ban quan trị “rút khống” hơn 100 triệu đồng quỹ quản lý.

Trao đổi với Đô Thị Mới, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBlaw cho rằng, tình trạng trục lợi quỹ bảo trì của ban quản trị xuất phát từ việc ban quản trị thiếu minh bạch và lợi dụng quyền hạn. Cùng với đó là các quy chế nhà chung cư cũng như các thông tư hướng dẫn quản lý vận hành chưa có quy định cụ thể về quy trình thu, chi quỹ bảo trì.

Một nguyên nhân khác là việc thành viên ban quản trị "thông đồng" với nhau để rút ruột. Đây là bất cập rất lớn khiến quỹ bảo trì có thể tùy ý rút ruột để chuyển vào các tài khoản cá nhân của họ. Bên cạnh việc trực tiếp rút tiền từ quỹ bảo trì, còn một hình thức khác là kê khống số tiền chi cho việc bảo trì tòa nhà. Với hình thức này, ban quản trị có thể thông đồng với nhà thầu cung cấp dịch vụ, nâng khống giá trị các hạng mục trong hợp đồng để "ăn" tiền chênh lệch.

Tuy nhiên, liên tiếp những vụ việc được đưa ra “ánh sáng” và bị xử lý hình sự được xem như lời cảnh tỉnh cho nhiều tổ chức, cá nhân, nhất là ban quản lý các khu chung cư, khu đô thị trong việc quản lý, chi tiêu nguồn tiền quỹ, kinh phí bảo trì, sửa chữa nhưng không đúng mục đích, không đúng quy định.