Những “bẫy ngầm” trên nền tảng Telegram không phải ai cũng biết

Ngày 25/3, lệnh cấm do Tòa án tối cao Tây Ban Nha đưa ra liên quan đến việc Telegram có các nội dung vi phạm bản quyền chính thức có hiệu lực.

Phán quyết được đưa ra sau khi bốn tập đoàn truyền thông lớn là Atresmedia, Egeda, Mediaset và Telefonica cáo buộc Telegram trở thành nơi phổ biến trái phép nội dung được bảo vệ bản quyền của họ.

Trang EuroNews cho biết, thẩm phán Tòa án tối cao Tây Ban Nha đã yêu cầu Telegram gửi một số thông tin để phục vụ điều tra nhưng công ty sở hữu nền tảng này không đáp ứng. EuroNews cũng cung cấp thêm thông tin rằng đây có thể là lệnh cấm tạm thời và việc chặn truy cập sẽ được thực hiện bởi các nhà cung cấp dịch vụ Internet.

telegram-2-1711358758.jpg

Telegram là nền tảng nhắn tin phổ biến đứng thứ tư ở Tây Ban Nha (Ảnh minh họa)

Hiện, Tòa án Tây Ban Nha và Telegram chưa đưa ra phản hồi về sự việc này.

Được biết, Telegram là nền tảng nhắn tin phổ biến đứng thứ tư ở Tây Ban Nha với khoảng 18% dân số sử dụng. Tính đến tháng 3/2024, nền tảng này có hơn 900 triệu người dùng trên thế giới. Trước đó, Telegram đã từng gặp rắc rối hoặc bị chặn ở một số quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Thái Lan, Đức và Indonesia vì bị cáo buộc là nơi lan truyền tin giả, vi phạm bản quyền.

Việt Nam cũng nằm trong top 10 thị trường ưa chuộng ứng dụng Telegram. Theo Detareportal, tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam sử dụng Telegram có xu hướng tăng (năm 2022 chiếm 27.4%, năm 2023 tăng lên 31.5%).

Với những cá nhân, tổ chức có nhu cầu trao đổi thông tin qua chat thì nền tảng Telegram là giải pháp được đánh giá cao. Bởi lẽ, Telegram có khả năng tạo tài khoản dễ dàng, hoạt động đồng bộ trên mọi nền tảng, dung lượng lưu trữ lớn và nhiều tính năng tùy chỉnh hỗ trợ công việc. Chính sự tiện lợi đó khiến Telegram tiếp cận rộng rãi được với nhiều đối tượng người dùng khác nhau nhưng sự ẩn danh và cơ chế phân tán dữ liệu, mã hóa đầu cuối khiến nền tảng này là môi trường yêu thích của tội phạm mạng.

Trên nền tảng Telegram, người dùng bình thường có thể dễ dàng đưa mình vào “thế giới ngầm” chỉ sau một cú nhấp chuột “Join group”. Bên cạnh đó, kẻ phạm tội cũng có thể loại bỏ hết thông tin về mình sau một thao tác xóa tài khoản. Telegram không yêu cầu bất cứ thông tin nào ngoài số điện thoại nhận OTP.

Thời gian gần đây, ở nước ta việc lừa đảo trên Telegram với hình thức tinh vi và nhắm vào nhiều nhóm đối tượng khác nhau diễn ra ngày càng nhiều. Đây không hẳn do lỗi bảo mật của Telegram mà còn do sự chủ quan của người dùng khi không kích hoạt các tính năng bảo vệ tài khoản cần thiết cũng như còn lạ lẫm với một số tính năng của ứng dụng này.

telegram-anh-1711358882.png

Hình ảnh nội dung kẻ gian tiếp cận nạn nhân trên Telegram

Các đối tượng tội phạm thường đóng giả người tư vấn công việc, kế toán trả lương…để hỗ trợ khách hàng. Hoặc, một người bất kỳ sau khi thấy nạn nhân vào nhóm chưa nạp vốn sẽ tiếp cận để khuyên nhủ. Việc tin tặc lừa đảo trên tài khoản Telegram có rất nhiều mục đích khác nhau, ngoài việc phát tán mã độc, kẻ gian còn chiếm đoạt những thông tin cá nhân hoặc bí mật doanh nghiệp quan trọng.

Để ngăn ngừa rủi ro, chuyên gia bảo mật khuyên người dùng nên ngay lập tức bật tính năng xác thực hai yếu tố (2FA) và tắt thông báo nhận tin nhắn từ người lạ. Đồng thời, cài đặt không cho người lạ tự ý thêm mình vào các group.

Nền tảng Telegram có tính năng thông báo đăng nhập, khi nhận được thông báo đăng nhập lạ, đó có thể là kẻ gian. Người dùng hãy thận trọng và tiến hành kiểm tra ngay khi không nhận ra thiết bị trên. Đồng thời, hãy cảnh giác với những tin nhắn từ người lạ và tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kì ai.