Mới đây, Công an TP. Thái Bình (tỉnh Thái Bình) đã khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người” để điều tra vụ một trẻ mầm non bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh dẫn đến tử vong. Cụ thể, sáng 29/5, bé T.G.H (5 tuổi) cùng 10 học sinh khác và cô giáo làm nhiệm vụ đưa đón lên xe 29 chỗ đến Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 (ở xã Phú Xuân, TP. Thái Bình).
Khi tới trường, tài xế mở cửa cho học sinh và cô giáo xuống xe, sau đó lái xe đỗ ở cổng trường rồi ra về. Vào lớp, giáo viên điểm danh học sinh thì phát hiện vắng bé T.G.H. Tuy nhiên, giáo viên không thông báo cho gia đình. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, cậu của bé đến trường đón cháu thì được giáo viên thông báo bé nghỉ học nên hốt hoảng đi tìm.
Chạy tới xe đưa đón ở cổng trường, người cậu phá cửa thì tìm thấy bé T.G.H trên xe. Lúc này, bé đã nguy kịch do ở trong ô tô gần 11 tiếng. Đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cho biết, bé tử vong trước khi vào viện.
Trước sự việc vô cùng thương tâm trên, PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, câu chuyện gợi lại nỗi kinh hoàng hơn 4 năm trước khi một học sinh lớp 1 trường Gateway (Hà Nội) cũng bị bỏ quên trên ô tô gần 10 tiếng khiến bé tử vong. Sự việc này, hầu hết các trường có dịch vụ xe đưa đón học sinh đã phải kiểm soát lại quy trình, siết chặt quản lý.
Ông Trần Thành Nam chia sẻ, sự việc thương tâm trên có thể gợi lại nỗi đau cũ, nếu xử lý không khéo dễ dẫn đến khủng hoảng truyền thông mới. Với công tác trường học có thể tạo nên dư luận, thái độ khắc nghiệt quá mức tới các cơ sở giáo dục đào tạo nói chung. Như vậy là không công bằng khi có rất nhiều trường đang cố gắng làm tốt.
Ông Nam cho rằng, quy trình an toàn bị nơi lỏng thể hiện sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của cả nhà trường, giáo viên, phụ huynh. Trong vụ việc đau lòng trên không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên.
Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông quy định các quy trình, tiêu chuẩn xe, giám sát thiết bị hành trình, dây đai an toàn… Tuy nhiên, theo ông Nam, điều này vẫn chưa đủ. Chúng ta bắt buộc phải có hệ thống cảnh báo phát hiện trẻ ngủ quên trên xe, có hệ thống cảnh báo bắt buộc người cung cấp dịch vụ đưa trẻ đến trường phải đi dọc 2 hàng ghế, phải tắt thiết bị đó đi thì mới hoàn thành quy trình đóng cửa xe được.
Hiện nay, có rất nhiều công nghệ mới như trẻ lên xe bắt buộc thắt dây an toàn và khi dây chưa được mở thì có cảnh báo luôn ở vị trí chỗ ngồi.
Ông Nam chia sẻ, đây là nỗi đau cũ, bài học mới và quy trình của tận tâm và lương tâm. Điều này không quy định trong luật nhưng nâng cao được trách nhiệm của những người làm dịch vụ giáo dục là điều chúng ta cần phải làm.
Bên hành lang Quốc hội sáng 30/5, nhiều đại biểu cũng chia sẻ sự xót xa về câu chuyện đau lòng này. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) đánh giá, đang có một khoảng trống pháp lý liên quan tới quản lý xe đưa đón học sinh. Nữ đại biểu kỳ vọng, dự án Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ đang được Quốc hội xem xét sẽ quy định chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn hơn về quản lý xe đưa đón học sinh.
Còn bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, trách nhiệm của nhà trường trong vụ việc này là không thể chối bỏ. Ngoài ra còn có trách nhiệm của người liên quan như lái xe đưa đón học sinh.
Nhà trường tổ chức xe đưa đón học sinh, nhưng khi xuống xe, cô giáo lại không kiểm tra lại xe cũng như số lượng học sinh. Người lái xe sau khi đỗ xe trước cổng trường, cũng không kiểm tra lại. Tất cả người lớn có mặt trong câu chuyện này đều có lỗi. Sự tắc trách, vô trách nhiệm của người lớn là một tội ác, khiến đứa trẻ 5 tuổi tử vong. Bà cho rằng, đây là một hồi chuông cảnh báo về nêu cao trách nhiệm trong công việc.
Trước vấn đề Quốc hội có nên giám sát chặt mô hình xe dịch vụ và có chế tài ràng buộc trách nhiệm quản lý của địa phương cũng như trường học với mô hình này, Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng không phải vấn đề gì cũng đưa ra Quốc hội giám sát.
Tuy nhiên, tùy vào tình hình từng địa phương, đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành có thể giám sát vấn đề này. Như tại Hà Nội và TP. HCM, nhu cầu dùng xe đưa đón học sinh rất lớn, có thể tổ chức giám sát. Nữ đại biểu cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có chỉ đạo quyết liệt liên quan vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh.
Trong khi đó, ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho hay, trách nhiệm để xảy ra vụ việc đau lòng này là của người lớn, cụ thể là của giáo viên và người phụ trách đưa đón học sinh. Ông nhìn nhận, do chúng ta còn "dễ dãi" trong lực chọn người đảm trách nhiệm vụ đưa đón trẻ, chế tài xử lý không đủ nghiêm khắc, răn đe nên tới đây cần bổ sung quy định về những nội dung này.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) nhận định, tình trạng bỏ quên trẻ trên xe đưa đón của một số trường là hồi chuông cảnh báo mạnh cho thấy chúng ta cần hành động, rà soát lại hệ thống pháp luật liên quan đến giáo dục, tránh để sự việc thương tâm tái diễn.
Bà đề nghị, nếu vi phạm thì phải xử lý thích đáng, đồng thời góp ý cần có sự thay đổi về thiết kế xe chở trẻ mầm non theo hướng chuyên biệt, để trong trường hợp bất khả kháng hoặc có tình huống xảy ra, người bên ngoài vẫn nhìn thấy trẻ bị mắc kẹt bên trong.