Bệnh bạch hầu: Sự nguy hiểm và những điều cần phải biết

Một người bị nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu, nếu không được điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong rất nhanh, chỉ trong khoảng 7 ngày.

Có thể tử vong chỉ sau 7 ngày mắc bệnh

Thông tin về 1 ca tử vong do bệnh bạch hầu tại Nghệ An và 1 ca mắc tại Bắc Giang do tiếp xúc với ca tử vong đang khiến nhiều người lo lắng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An xác định được 119 người tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong.

Tương tự, Bắc Giang cũng xác định có 15 người tiếp xúc với ca mắc bệnh. Những người này đều đã được cách ly theo dõi. Các địa phương cũng tổ chức giám sát cộng đồng chặt chẽ nhằm kiểm soát lây lan, tránh bùng lên thành dịch.

canh-bao-bach-hau-1-1720499349.jpg
Nhân viên y tế ở huyện Kỳ Sơn lấy mẫu với những người tiếp xúc với ca bệnh bạch hầu (Ảnh: Hùng Lê)

Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Từng có thời điểm, căn bệnh này là nỗi ám ảnh với thế giới bởi những nguy hiểm tiềm ẩn với sức khỏe con người.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP. HCM) cho biết, thể bệnh bạch hầu hay gặp nhất là ở đường hô hấp (họng, mũi, thanh quản, khí phế quản), trong đó bạch hầu họng chiếm khoảng 70%. Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu tồn tại ở cả người bệnh và người lành mang vi khuẩn.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, thời gian ủ bệnh bạch hầu thường khoảng 2 - 3 ngày, sau đó xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, khàn tiếng, chán ăn, xuất hiện giả mạc lan nhanh màu trắng ngà...

Người mắc bệnh bạch hầu có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ tim, tổn thương thần kinh dẫn đến tê liệt, rối loạn chức năng bàng quang, tê liệt cơ hoành, suy hô hấp, viêm phổi. Thậm chí, một người bị nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu, nếu không được điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong rất nhanh trong khoảng 7 ngày.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo, các triệu chứng của bạch hầu dễ nhầm lẫn với cảm cúm. Tuy nhiên ở người mắc bệnh cảm cúm sau hạ sốt có thể mặt mũi tươi tỉnh, còn người bệnh bạch hầu vừa nhiễm trùng, nhiễm độc nên mặt rất đừ. Do đó, khi thấy đau họng nhiều, có giả mạc trắng, người dân nên nhanh chóng tới cơ sở y tế để thăm khám.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả, lâu dài nhất là tiêm vaccine

Nói về nguy hiểm của bệnh bạch hầu, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, người lành mang vi khuẩn bạch hầu nhưng không có triệu chứng bệnh, họ vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác. Như vậy, nguồn lây có thể là người bệnh, người lành mang trùng nên nhiều khi không biết bệnh lây từ nguồn nào. Điểm nguy hiểm nữa bạch hầu là tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.

canh-bao-bach-hau-1720499349.jpeg
Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất

Trước kia bệnh bạch hầu phổ biến ở cả thành phố và nông thôn, nhưng nhờ Chương trình Tiêm chủng mở rộng mà bệnh đã được kiểm soát. Việc xuất hiện lại ca bệnh gần đây, nhiều chuyên gia y tế đánh giá là do một số vấn đề liên quan đến tiêm chủng.

PGS Trần Đắc Phu cho biết, tại miền núi, chúng ta vẫn có "vùng trũng" tiêm chủng, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, vệ sinh kém. Người dân ở đó sống biệt lập, ít giao lưu nên không có miễn dịch tự nhiên do nhiễm phải, cũng không có miễn dịch do tiêm chủng.

Vừa qua, chúng ta còn bị thiếu cục bộ vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng nên vùng sâu vùng xa cũng không được tiêm. Trong khi ở thành phố hoặc đồng bằng, nhiều bà mẹ cho con đi tiêm phòng theo hình thức tiêm dịch vụ (tiêm vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1…). Vì thế, dịch không bùng phát ở thành phố hoặc đồng bằng.

Bệnh nguy hiểm là vậy song, PGS Trần Đắc Phu cho rằng, người dân cũng không nên quá lo lắng bởi những trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh đều đã được uống thuốc kháng sinh dự phòng để diệt ngay vi khuẩn bạch hầu. Như vậy, họ sẽ không phát bệnh và không trở thành nguồn lây bệnh cho người khác.

Tuy nhiên, biện pháp phòng bệnh hiệu quả lâu dài vẫn là tiêm vaccine. Trẻ cần được tiêm đúng lịch, đủ liều, sau đó tiêm nhắc lại 10 năm/lần. Tại những vùng có nguy cơ cao, Bộ Y tế có thể thực hiện chiến dịch tiêm vét, tiêm bổ sung…

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến cũng chia sẻ, hiện nay biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh bạch hầu là tiêm ngừa vaccine. Do đó, công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe thường kỳ cần cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh bạch hầu để người dân chủ động tiêm ngừa vaccine đầy đủ, phát hiện bệnh sớm, kịp thời điều trị.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo công tác vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Tại những nơi từng có ổ dịch bạch hầu, cần tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm họng giả mạc. Tổ chức tiêm vaccine bạch hầu đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.