“Biến” nhà tái định cư bỏ hoang thành NOXH: Một mũi tên trúng hai đích?

Thay vì bỏ hoang hàng chục nghìn căn hộ tái định cư, nhiều ý kiến cho rằng, có thể chuyển sang thành NOXH, vừa giúp giải quyết được nhu cầu nhà ở của người dân, cũng giúp thành phố tiết kiệm được hàng tỉ đồng duy trì mỗi năm

Theo đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội (NOXH) của Chính phủ, trong giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất công bố ngày 5/2/2024 của Bộ Xây dựng cho biết, đến nay cả nước có 499 dự án NOXH đã được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn hộ; trong đó mới có 71 dự án đã hoàn thành với 37.868 căn, đạt 8,8% kế hoạch của cả giai đoạn.

Hơn 14.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang ở TP HCM và Hà Nội

Giữa bối cảnh kế hoạch thực hiện NOXH chậm và khó hoàn thành, nhưng tại Hà Nội và TP.HCM lại đang có hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang nằm rải rác khắp nơi trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, tại TP.HCM có tới hơn 10.000 căn, tập trung chủ yếu tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) với 9.400 căn, thuộc chương trình 12.500 căn hộ tái định cư cho người dân bị thu hồi đất. Dự án này đã hoàn thành từ năm 2015, trải qua 4 lần đấu giá nhưng đều bất thành, chỉ có một số ít căn hộ, nền đất được bàn giao cho người dân. Đáng chú ý, đây là dự án được xây dựng chỉn chu, đầy đủ hạ tầng nội ngoại khu, nằm trên vị trí đắc địa.

Tiếp đến là dự án Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) có 1.454 căn, chung cư Tân Thới Nhất (quận 12) 322 căn, chung cư Phú Thọ (quận 10) 274 căn, chung cư 90 Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) 260 căn…và một số dự án khác nữa với mức trung bình là hơn 200 căn.

chu-cu-tai-dinh-cu-1715596489.jpg

Có hàng chục ngàn căn nhà tái định cư bị bỏ hoang trong khi rất nhiều người không có nhà ở 

 

Hà Nội hiện cũng có 9 dự án nhà tái định cư với khoảng 4.000 căn đang bị bỏ hoang. Chỉ tính riêng quận Hoàng Mai đã có tới 4 dự án, 3 tòa nhà tái định cư N3-N4-N5 nằm trên “đất vàng” của Khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên) được xây với mục đích phục vụ đề án giãn dân phố cổ của quận Hoàn Kiếm, các khối nhà trên đường Lý Sơn (phường Thượng Thanh) cũng rơi vào cảnh xuống cấp do không được đưa vào sử dụng.

Theo ghi nhận, hiện còn rất nhiều khu nhà tái định cư trên địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm…cũng trong cảnh bị bỏ hoang, "cửa đóng then cài". Ngoài ra, nhiều dự án tái định cư dù có người dân về ở nhưng lại có hàng chục nghìn m2 mặt sàn tầng 1 bị bỏ trống, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại.

Những căn hộ bỏ hoang này đã gây ra tình trạng lãng phí nghiêm trọng, ngân sách Nhà nước phải “gồng gánh” những khoản chi phí “khổng lồ”. Theo đó, hàng nghìn tỷ đồng đã chi ra để xây dựng dự án “nằm im” chưa thấy ngày thu hồi, trong số này không ít là những khoản nợ, chưa kể hàng năm phải chi ra khoảng 70 tỉ đồng để duy tu, bảo dưỡng như tại TP.HCM. Hay như tại 4 dự án “đắp chiếu” của quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã “ngốn” tổng số tiền ngân sách là 2.000 tỷ đồng, dự án được đầu tư nhiều nhất là 800 tỉ đồng.

Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người dân tại các thành phố lớn luôn ở mức bức thiết. Theo thống kê của Công ty Savills, mỗi năm để có thể đáp ứng được nhu cầu nhà ở của người dân, Hà Nội và TP.HCM cần có khoảng 50.000 căn hộ. Trong khi đó, nguồn cung căn hộ mới của Hà Nội trong năm 2023 mới đạt gần 11.000 sản phẩm, TP.HCM là hơn 10.000 sản phẩm.

Một mũi tên trúng 2 đích

Lý giải nguyên nhân của việc bỏ hoang nhà tái định cư, ông Tạ Khánh Quang, chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho biết, trong số các dự án này, có dự án nhiều lần được đem đấu giá nhưng bất thành do giá quá cao, để mua được doanh nghiệp phải có một nguồn tiền mặt khá lớn. Ngược lại, chất lượng, kiến trúc, thiết kế của những căn hộ này lại không tương xứng, thậm chí thấp hơn mặt bằng chung. Quan trọng hơn, nhà tái định cư không còn hiệu quả bởi người dân bị giải tỏa không có nhu cầu ở.

Đồng quan điểm, lãnh đạo của một phường có người dân bị giải tỏa cho biết, nhiều trường hợp được mời lên bốc thăm nhận nhà nhưng lại mong muốn được nhận tiền, tự tìm phương án định cư mới.

“Thay vì cứ “ôm” số căn hộ này rồi bỏ hoang, chịu nhiều chi phí thì có thể chuyển sang làm NOXH. Việc này vừa giúp thành phố bán được nhà thu tiền về, vừa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của người dân, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội được Chính phủ giao phó”, ông Tạ Khánh Quang cho biết.

nha-o-xa-hoi-1715596679.jpg

Muốn chuyển đổi từ nhà tái định cư sang NOXH, các dự án cần phải sửa chữa lại cho phù hợp với nhu cầu hiện tại

 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường Công ty DKRA Việt Nam cho rằng, các căn hộ tái định cư lâu không sử dụng sẽ ngày càng xuống cấp và mất giá khiến việc mua bán cũng trở nên khó khăn hơn. Do đó, việc chuyển từ nhà tái định cư sang NOXH là hợp lý với bối cảnh Chính phủ đang dồn lực để xây dựng, phát triển phân khúc này.

Thực tế đã có doanh nghiệp xin chuyển đổi là Công ty CP Him Lam. Đơn vị này đã từng đề nghị cho chuyển hơn 3.200 căn nhà ở thương mại, 504 căn nhà ở tái định cư của dự án Him Lam Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) thành NOXH và đã được đồng ý chủ trương. Công ty này xin giữ lại 20% quỹ nhà tại dự án để kinh doanh thương mại nhằm thu hồi vốn đầu tư dự án theo nghị định 100 năm 2015 của Chính phủ.

Trong một diễn biến mới nhất, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh vừa ký Văn bản số 1786 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc báo cáo tình hình quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư, trong đó có nội dung giám sát việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong việc quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư. Đồng thời đề nghị các địa phương tổng hợp các dự án, số lượng nhà ở tái định cư không còn nhu cầu sử dụng để bố trí tái định cư, có nhu cầu chuyển đổi sang NOXH, nhà ở thương mại hoặc mục đích khác.

Cơ chế rõ ràng là có, nhưng theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, muốn chuyển đổi từ nhà tái định cư sang NOXH, hấp dẫn được người mua nhà, các dự án cần phải sửa chữa lại cho phù hợp, sắp xếp lại nội thất, quy hoạch chỗ đậu xe, tiện ích…để phù hợp với nhu cầu hiện tại.