"Big tech" đang âm thầm mua lại các công ty khởi nghiệp AI thế nào?

Microsoft, Google và Amazon cùng nhiều "big tech" khác đang âm thầm thâu tóm các công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo cũng như bận rộn chi tiền để săn đón các nhân tài trong lĩnh vực, từ đó tạo ra sức mạnh mới cho các sản phẩm, dịch vụ của mình mà không nhất thiết phải mua đứt, bán đoạn.

Đầu tháng 8, Google đã ký một thỏa thuận bất thường với Character.AI để thuê người sáng lập nổi tiếng và hơn 1/5 lực lượng lao động của họ đến làm việc cho mình nhưng không hề có ý định mua đứt cả công ty. Hãng đã chi trả 3 tỷ USD cho cấp phép công nghệ, khoảng 2,5 tỷ USD trong số đó sẽ được trích ra để mua cổ phần Character.AI. Phần còn lại của công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo sẽ tiếp tục làm việc mà không có founder hay nhà đầu tư.

ceo-character-1725335787.jpg
Những nhà sáng lập của Character.AI đã mang theo 1/5 nhân sự của công ty đầu quân cho Google. Phần còn lại của công ty vẫn hoạt động mà không có sự lãnh đạo của CEO hay nhà đầu tư.

Động thái này là một trong những giao dịch bất thường gần đây ở Thung lũng Silicon khi nhiều “big tech” đang chuyển sang chỉ cấp phép công nghệ và tuyển dụng người tài thay vì mua đứt bán đoạn cả công ty như giai đoạn trước. Điều này về bản chất là thâu tóm cả startup và các tài sản trí tuệ của họ nhưng không trở thành chủ sở hữu của công ty. Đây được xem là một biện pháp để đối phó lại các quy định về chống độc quyền đang ngày càng trở nên căng thẳng ở châu Âu.

Trước Google, Microsoft đã đặt nền móng cho các loại thỏa thuận này với thương vụ cùng Inflection và vụ mua lại Adept của Amazon.

Trong đó, với thương vụ với Inflection diễn ra hồi tháng 3 năm nay, đã trả hơn nửa tỷ USD để thuê lại hầu hết các nhân viên của công ty trí tuệ nhân tạo này, bao gồm cả người sáng lập Mustafa Suleyman và Karren Sumonyan. Microsoft sẽ trả 620 triệu USD để có quyền sử dụng các mô hình AI của Inflection và khoảng 30 triệu USD để không phải chịu trách nhiệm liên quan đến việc tuyển dụng hàng loạt. Đội ngũ Inflection AI sẽ chuyển sang làm việc cho bộ phận AI mới của Microsoft, tìm cách củng cố và mở rộng các dịch vụ AI cho sản phẩm tiêu dùng của hãng. Suleyman sẽ là CEO của bộ phận Microsoft AI còn Simonyan là nhà khoa học trưởng. Trước khi “về một nhà nhưng không chung một hộ khẩu” với Microsoft, Inflection AI đã nổi lên như một ngôi sao sáng trong lĩnh vực AI tạo sinh, công ty đã huy động được tới 1,3 tỷ USD từ Microsoft và Nividia và đã xây dựng được mô hình nền tảng của riêng mình, đồng thời vận hành chatbot Pi với hơn 1 triệu người dùng tích cực hàng ngày.

inflection-1725336032.jpg
Inflection cũng là một công ty trí tuệ nhân tạo đang có những sản phẩm AI ấn tượng trên thị trường.

Tiếp đó, tới tháng 6 năm nay, Amazon cũng đã ký một thỏa thuận tương tự với công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo AI Adept, thuê Giám đốc điều hành cấp cao và đồng sáng lập của họ là David Luan cùng một số thành viên có tài năng đặc biệt vào nhóm AGI của công ty. Amazon đồng thời cũng sẽ được cấp phép công nghệ từ Adept, bao gồm một số mô hình AI và tập dữ liệu.

Trước đó, Amazon cũng đã bơm hàng tỷ USD vào đối thủ cạnh tranh của OpenAI là Anthropic và đang có kế hoạch cải tiến trợ lý giọng nói Alexa của mình bằng phiên bản trả phí mới có khả năng AI tạo ra.

Google, Amazon, Meta, Apple và Microsoft đều đang bị các cơ quan chống độc quyền của châu Âu và Ủy ban Thương mại Liên bang theo dõi chặt chẽ việc có hay không ý định kìm hãm sự cạnh tranh công bằng.

Justin Johnson, một nhà kinh tế học tại Đại học Cornell, cho biết: “Rõ ràng các công ty công nghệ lớn đang cố gắng tránh né sự giám sát của cơ quan quản lý bằng cách không trực tiếp mua lại các công ty mục tiêu. Những thỏa thuận này trông giống như các vụ mua lại thông thường”.

Bằng cách lách luật và thuê nhân sự, các “big tech” đang tiết kiệm được một nguồn kinh phí lớn, đồng thời cũng làm phân tán sự chú ý của các cơ quan chống độc quyền. Tuy nhiên “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, các thương vụ như của Microsoft và Inflection AI cũng đã rơi vào tầm ngắm của cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA). Trước đó, CMA cũng đã tiến hành điều tra sơ bộ 3 thương vụ hợp tác AI bao gồm thương vụ đầu tư của Microsoft vào Mistral AI – startup Pháp được định giá hơn 2 tỷ USD, tuy nhiên thương vụ này đã bị loại khỏi diện điều tra do khoản đầu tư của Microsoft chỉ dưới 1%, không đủ để tạo ảnh hưởng đáng kể đến công ty này.

CMA cũng đang xem xét thương vụ đầu tư của Amazon đối với Anthropic (Mỹ) và dự kiến sẽ sớm mở cuộc điều tra đối với mối quan hệ giữa Microsoft và OpenAI.