Bình Dương tiếp tục "cất cánh", chuẩn bị đón 3 đô thị mới rộng 22.000ha

Tỉnh Bình Dương đã chính thức phê duyệt quy hoạch chung cho 3 đô thị với tổng quy mô lên tới hơn 22.000ha thuộc huyện Dầu Tiếng.

Mới đây, 3 đô thị là Minh Hòa, Long Hóa, Thanh Tuyền với tổng quy mô hơn 22.000ha đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung tới năm 2040.

Đô thị mới Thanh Tuyền

Theo quy hoạch, đô thị mới Thanh Tuyền bao gồm toàn bộ ranh giới xã Thanh Tuyền (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) với tổng diện tích tự nhiên khoảng 6.222ha.

Phạm vi nghiên cứu trực tiếp theo địa giới hành chính xã với 11 ấp, gồm: Ấp Lâm Vồ, Gò Mối, Xóm Lẫm, Xóm Chợ, Xóm Bến, Xóm Bưng, Rạch Kiến, Suối Cát, Lê Danh Cát, Bưng Còng, Đường Long.

huyen-dau-tieng-1723342522.jfif
Cả 3 đô thị đều được quy hoạch tại huyện Dầu Tiếng. Trong ảnh là Trung tâm hành chính huyện Dầu Tiếng nhìn từ trên cao (Ảnh: Quốc Chiến - Báo Bình Dương)

Đô thị mới này còn được mở rộng phạm vi nghiên cứu vùng bao gồm tỉnh Bình Dương và các khu vực lân cận của huyện Dầu Tiếng, thị xã Bến Cát, huyện Củ Chi (TP. HCM) và huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh).

Đô thị Thanh Tuyền dự kiến đến năm 2025 dân số đạt khoảng 19.000 – 21.000 người; tới năm 2030 sẽ đạt khoảng 24.000 – 25.000 người; tới năm 2040 đạt khoảng 30.000 – 34.000 người.

Theo quy hoạch, tới năm 2030 đô thị mới Thanh Tuyền sẽ là trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam huyện Dầu Tiếng. Tới năm 2040 sẽ là đô thị dịch vụ du lịch, đóng vai trò cửa ngõ liên kết khu vực phía Nam huyện Dầu Tiếng với khu vực Củ Chi.

Đô thị Thanh Tuyền dự kiến sẽ đạt các tiêu chí đô thị loại V và thành lập thị trấn Thanh Tuyền vào năm 2025; tới năm 2040 dự kiến đạt các tiêu chí đô thị loại IV.

Đô thị mới Minh Hòa

quy hoạch đô thị mới Minh Hòa bao gồm toàn bộ ranh giới của xã Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng) với quy mô hơn 9.526ha, gồm có 5 ấp: Hòa Thành, Hòa Lộc, Hòa Phú, Hòa Cường, Hòa Hiệp.

Phạm vi nghiên cứu mở rộng là huyện Dầu Tiếng và các khu vực lân cận là huyện Hớn Quảng và thị xã Chơn Thành thuộc tỉnh Bình Phước.

Ranh giới đô thị Minh Hòa được xác định cụ thể như sau: phía Bắc giáp xã Tân Hiệp (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước); phía Nam giáp xã Định An, xã Minh Tân (huyện Dầu Tiếng); phía Tây giáp hồ Dầu Tiếng; phía Đông giáp xã Minh Thạnh (huyện Dầu Tiếng).

Quy mô dân số tại đây được dự báo đến năm 2030 sẽ có khoảng 18.000 – 25.000 người và tới năm 2040, có khoảng 27.000 - 30.000 người.

Theo kế hoạch, xây dựng đô thị Minh Hòa hướng đến các tiêu chí đô thị loại V vào năm 2025; xây dựng đề án và thành lập thị trấn Minh Hòa giai đoạn 2026 - 2030; xây dựng và nâng cao các tiêu chí phát triển bền vững và hướng đến đô thị hiện đại, văn minh, sạch đẹp, thân thiện với môi trường cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân giai đoạn 2031 – 2040.

duong-hung-vuong-1723342684.jpg
Tổng quy mô của 3 đô thị rộng hơn 22.000ha. Trong ảnh là một đoạn của tuyến đường Hùng Vương của huyện Dầu Tiếng (Ảnh: Báo Bình Dương)

Đô thị mới Long Hòa

Đô thị mới Long Hòa bao gồm toàn bộ ranh giới xã Long Hòa (huyện Dầu Tiếng) có quy mô hơn 6.326ha với 7 ấp là Long Thọ, Long Nguyên, Tiên Phong, Long Điền, Tân Hòa, Thị Tính và Đồng Bà Ba.

Ranh giới đô thị được xác định cụ thể: phía Bắc giáp xã Minh Tân, Minh Thạnh (huyện Dầu Tiếng); phía Nam giáp xã Long Tân (huyện Dầu Tiếng); phía Tây giáp các xã Định An, Định Hiệp, An Lập (huyện Dầu Tiếng); phía Đông giáp xã Cây Trường II (huyện Bàu Bàng).

Quy mô dân số đô thị Long Hòa được dự báo tới năm 2030 khoảng 17.000 - 24.000 người; vào năm 2040 dân số sẽ tăng lên khoảng 26.000 - 30.000 người.

Theo quy hoạch, các giai đoạn nâng cấp đô thị sẽ là: hoàn thiện các tiêu chí để công nhận đô thị Long Hòa đạt đô thị loại V vào năm 2025; xây dựng đề án và thành lập thị trấn Long Hòa giai đoạn 2026 - 2030; xây dựng và nâng cao các tiêu chí phát triển bền vững và hướng đến đô thị hiện đại, văn minh, sạch đẹp, thân thiện với môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân giai đoạn 2031 - 2040.

Việc lập Đồ án quy hoạch chung đô thị mới Long Hòa tới năm 2040 thuộc trách nhiệm của UBND huyện Dầu Tiếng.

Bình Dương có diện tích tự nhiên 2.694,64 km với 5 thành phố và 4 huyện là: TP. Thủ Dầu Một, TP. Dĩ An, TP. Thuận An, TP. Tân Uyên, TP. Bến Cát và các huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên.

Theo quy hoạch, Bình Dương sẽ liên kết phát triển với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ để xây dựng Đông Nam bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, phát triển năng động; trung tâm hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, giáo dục, khoa học, công nghệ, đào tạo, đổi mới sáng, chuyển đổi số.

Đến năm 2030, Bình Dương sẽ quy hoạch thành thành phố trực thuộc Trung ương - là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á. Quy hoạch tới năm 2050 sẽ dựng Bình Dương trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế…