Bộ Công an vô hiệu hóa hơn 400.000 website, tài khoản mạng xã hội nghi lừa đảo trong 5 tháng

Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - Người phát ngôn Bộ Công an, từ tháng 3/2024 đến tháng 8/2024, thời gian qua tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp. Bộ đã vô hiệu hóa hơn 400.000 website, tài khoản mạng xã hội nghi vấn hoạt động lừa đảo trực tuyến.

Thông tin được thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024. Theo đó, trong tháng 8/2024, cả nước xảy ra 815 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tăng hơn 11% chiếm gần 16% trong cơ cấu tội phạm, trong đó tội phạm lừa đảo mạng chiếm gần 55%.

Để phục vụ cho hành vi tội phạm, các đối tượng đã sử dụng các ứng dụng công nghệ, phương tiện hiện đại để thực hiện hành vi phạm tội, hoạt động ẩn danh, khó truy vết; phần lớn hoạt động có tổ chức, nhưng chỉ liên lạc, móc nối qua không gian mạng, không có tiếp xúc, trao đổi trực tiếp.

thieu-tuong-hoang-anh-tuyen-1725759497.jpg

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an thông tin tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024.

Trước tình trạng kể trên, Bộ đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh và phòng chồng tội phạm mạng, bao gồm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp về phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng lừa đảo.

Bộ thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo mạng. Trong đó, rà soát, vô hiệu hóa các website, tài khoản mạng xã hội nghi vấn giả mạo các cơ quan, tổ chức để lừa đảo trên không gian mạng. Chỉ tính từ tháng 3/2024 đến tháng 8/2024, Bộ đã vô hiệu hóa hơn 400.000 website, tài khoản mạng xã hội nghi vấn hoạt động lừa đảo trực tuyến. Bộ cũng triển khai tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia trên không gian mạng.

Chỉ tính riêng trong tháng 8/2024, Cổng thông tin điện tử của Bộ và các đơn vị, địa phương đã đăng tải hơn 500 tin bài cảnh báo về tội phạm, tập trung cảnh báo thường xuyên đối với tội phạm mạng.

Bộ cũng đã phối hợp cùng các đơn vị như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh ứng dụng VNeID để xác thực danh tính khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng. Đồng thời, tăng cường kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kịp thời xác thực thông tin, làm sạch tài khoản ngân hàng và thuê bao di động, loại bỏ các tài khoản ảo và sim rác để hạn chế tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo.

lua-dao-mxh-1725759799.jpg

Các thủ đoạn lừa đảo mạng xã hội ngày càng tinh vi và phức tạp.

Để phòng tránh các thủ đoạn lừa đảo mạng, Bộ đề nghị người dân thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tội phạm, nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm; cảnh giác khi nhận các cuộc gọi mà người gọi tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, yêu cầu kiểm tra, giải quyết các vụ án qua điện thoại. Người dân cần thận trọng, rà soát kỹ và kiểm tra thông tin trước khi thực hiện các giao dịch điện tử, giao dịch trực tuyến. Trong trường hợp, nghi ngờ về hoạt động phạm tội thì người dân thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Cũng tại cuộc họp báo, Bộ Công an cho biết, thời gian qua Bộ đã triển khai 224 dịch vụ công trên môi trường trực tuyến. 8 tháng đầu năm, Bộ đã giải quyết hơn 4,5 trệu hồ sơ dịch vụ công trực tuyến. Trong đó riêng tháng 8, số liệu dịch vụ công trực tuyến giải quyết được gần 500.000 hồ sơ, chiếm hơn 99%.

Từ 1/8, Bộ đã triển khai việc đăng ký xe lần đầu toàn trình trên Cổng dịch vụ công VNeID đối với ô to, xe mô tô sản xuất lắp ráp trong nước đối với chủ xe là công dân Việt Nam. Trong tháng đầu tiên, đã có 728 xe, trong đó có 108 ô tô, còn lại là xe mô tô thực hiện đăng ký thành công. Tính đến chiều 6/9, số lượng xe đăng ký trực tuyến đã tăng lên gấp đôi, khoảng 1.620 xe. Cơ quan công an cũng đã làm thủ tục xong 1.383 hồ sơ, trong đó 1.083 ô tô, mô tô còn lại đang chờ bấm biển và thanh toán.

dang-ky-xe-truc-tuyen-bo-cong-an-1725760004.jpg

Bộ Công an đã triển khai 224 dịch vụ công trên môi trường trực tuyến, giải quyết hơn 4,5 triệu hồ sơ dịch vụ công trực tuyến.

Theo đại diện Bộ Công an, việc làm hồ sơ trực tuyến toàn trình mang lại rất nhiều tiện ích. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, người dân không phải đến cơ quan, không phải đăng kiểm xe trực tiếp mà có thể bấm biển số trực tuyến tại nhà.