Bộ GTVT bác kiến nghị không tước bằng lái đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn

Bộ GTVT khẳng định, việc xử lý nghiêm minh của lực lượng chức năng, trong đó có tăng nặng chế tài xử phạt kết hợp với hình phạt bổ sung là tước bằng lái đã tác động trực tiếp đến người tham gia giao thông, nâng cao hơn ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.

bo-tuoc-bang-lai-xe-1710658203.jpg

Kiến nghị bỏ tước bằng lái xe với người vi phạm nồng độ cồn

Nghị định 100/2019 quy định phạt người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn đã mang lại hiệu quả thiết thực rất lớn khi tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia đã giảm. Trước những tranh cãi về việc có nên giới hạn nồng độ cồn cho người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường, Bộ Công an và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vẫn kiên quyết với quy định lái xe phải có nồng độ cồn trong máu và hơi thở bằng 0.

Cũng liên quan tới vấn đề này, vừa qua Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai lại đưa ra kiến nghị về một khía cạnh khác khi xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, Nghị định 100/2019 ngoài quy định phạt tiền còn bị tước giấy phép lái xe. Quy định này là chưa phù hợp, gây thiệt hại cho người dân. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng tăng nặng mức xử phạt để răn đe và không nên tước giấy phép lái xe của người vi phạm, như thế sẽ phù hợp hơn.

Về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (tước bằng lái xe) là hình phạt bổ sung dành cho cá nhân điều khiển phương tiện vi phạm các lỗi giao thông nghiêm trọng.

Người dân điều khiển phương tiện giao thông mà trong hơi thở hoặc máu có nồng độ cồn là vi phạm được đánh giá có nguy cơ cao, ảnh hưởng đến an toàn của chính lái xe cũng như người và phương tiện tham gia giao thông khác, đồng thời vi phạm các quy định, yêu cầu đối với người sử dụng giấy phép lái xe.

bo-tuoc-bang-lai-xe-1-1710658331.jpg

Tước bằng lái là hình thức xử phạt bổ sung phù hợp với thông lệ quốc tế

Bộ khẳng định, hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đã được áp dụng nhiều năm. Việc xử lý nghiêm minh của lực lượng chức năng, trong đó có tăng nặng chế tài xử phạt kết hợp với hình phạt bổ sung là tước bằng lái đã tác động trực tiếp đến người tham gia giao thông, nâng cao hơn ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để hạn chế tai nạn giao thông, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nghị định 100/2019 quy định tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng với trường hợp:

Người điều khiển ô tô, mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) tham gia giao thông mà nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở;

Không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ hoặc liên quan đến việc sử dụng các chất ma túy.

Ngoài bị tước bằng lái, người điều khiển ô tô vi phạm các lỗi trên sẽ bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng, điều khiển mô tô, xe máy bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng.