Bỏ thi chuyên vào cấp 2 ở Hà Nội và TP.HCM: Học sinh thoát cảnh ngụp lặn trong "lò luyện"?

Nghe thông tin Bộ GD-ĐT “tuýt còi” việc tuyển sinh hệ THCS trong trường THPT chuyên, nhiều phụ huynh đứng ngồi không yên.

Ngừng tuyển sinh lớp 6 vào trường chuyên

Bộ GD-ĐT vừa có công văn đề nghị Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên đúng quy định.

Theo nội dung công văn này, Bộ GD-ĐT cho biết, căn cứ khoản 1 Điều 62 Luật Giáo dục 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019, trường chuyên được thành lập ở cấp THPT, vì vậy không có cấp THCS trong trường chuyên.

Đồng thời việc tuyển sinh vào các lớp không chuyên của trường THPT chuyên theo quy định tại Thông tư 06/2012/TT- BGDĐT và Thông tư số 12/2014/TT-BGDĐT được thực hiện đến hết năm học 2023-2024.

Do đó, Bộ GD-ĐT đề nghị Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên theo đúng quy định.

Việc Bộ GD-ĐT ra công văn này, có nghĩa một số trường THPT chuyên lâu nay tồn tại khối THCS như Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam ở Hà Nội hay Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa ở TP.HCM sẽ phải bỏ hệ này.

Các trường THPT công lập không chuyên cũng không còn tồn tại khối chuyên (như mô hình trước đây của Trường THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây, Hà Nội). Những học sinh đang học tại các trường nằm trong diện điều chỉnh trên sẽ tiếp tục được học theo cơ chế cũ cho tới hết cấp học.

Trên các hội nhóm, nhiều cha mẹ xôn xao. Bởi lẽ, để chuẩn bị cho công cuộc vào trường chuyên, nhiều phụ huynh thậm chí cho con cày cuốc từ cuối lớp 2. Riêng việc xin để được vào học tại những lớp luyện thi có tiếng cũng rất khó khăn. Trong trường hợp không được tuyển sinh nữa, công cuộc đầu tư này xem như hoài phí.

Giảm áp lực 

Nhiều năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 6 chuyên Amsterdam thường chỉ lấy khoảng 200 em, nhưng mỗi năm có tới 4.000 hồ sơ. Như vậy, một học sinh vừa học xong tiểu học sẽ phải “chọi” với ít nhất 20 em khác để có một suất vào trường này. Chưa kể để vào được Amsterdam, các con phải có học bạ đẹp từ lớp 1.

Điển hình như năm ngoái, nhiều phụ huynh buồn bã khi học bạ 5 năm tiểu học của con toàn 10 nhưng vẫn bị loại ở vòng xét tuyển hồ sơ, không được dự thi vào lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Lý do là một số môn đánh giá bằng nhận xét chỉ được ghi là "Hoàn thành" mà không phải là "Hoàn thành tốt" hoặc "Hoàn thành xuất sắc".

Áp lực điểm 10 khiến những đứa trẻ chỉ mới học cấp 1 đã phải “cày cuốc” tới 11 giờ đêm để hoàn thành chuyện bài vở hay “chạy sô” đến các lớp ôn luyện thi vào cấp 2.

Nhiều phụ huynh cho rằng, các trường chuyên có môi trường đào tạo tốt, vì thế cần tiếp tục hệ chuyên để đào tạo nhiều học sinh tốt. Tuy nhiên, không ít phụ huynh cho rằng, việc bỏ “trường chuyên cấp 2” là cần thiết, thậm chí mang tính chất nhân văn. Các con sẽ bớt "cày cuốc" học thêm, không phải chịu áp lực thi cử, có thời gian trải nghiệm, khám phá bản thân để phát triển toàn diện.

Cấp THCS, học sinh cần học đều, thay vì chú tâm vào học “môn chuyên”. Nếu chỉ tập trung vào học môn giỏi, bỏ qua những môn yếu hơn sẽ là sự phát triển thiên lệch. Học sinh THCS khi phải học trong môi trường quá cạnh tranh cũng sẽ khiến mệt mỏi và áp lực.

Chị Nguyễn Thị Thanh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, chị từng cho con đi học vất vả để thi vào trường chuyên. “Khi con không đỗ, tôi hối hận vì cháu đã trải qua sự khủng hoảng, thất vọng về bản thân và suy nghĩ “mình kém cỏi”. Điều này có hại cho con trẻ. Tôi cho rằng, việc bỏ việc thi vào chuyên, sẽ phần nào chữa được “bệnh” ép của các phụ huynh. Con trẻ có thời gian vui chơi, giải trí”.

Tuy nhiên, một phụ huynh khác lại cho rằng, nói nếu không còn chuyên Amsterdam vẫn còn rất nhiều trường điểm, trường chất lượng cao cấp 2 khác khiến học sinh đổ xô vào. Các con vẫn sẽ phải chạy đua kiến thức và cày cuốc để vào những trường “hot” đó.

Về vấn đề này, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng, cần tôn trọng và góp phần thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi loại hình trường.

“Từ lâu, Việt Nam đã có chủ trương xã hội hoá giáo dục, đa dạng loại hình trường lớp để tạo điều kiện cho đáp ứng nhu cầu rất khác nhau về mục đích giáo dục của người dân. Với loại hình trường chuyên, được xác định là trường THPT, dành cho học sinh đạt kết quả tốt trong rèn luyện và học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, được mỗi tỉnh/thành phố đầu tư xây dựng hoặc trực thuộc một cơ sở giáo dục đại học.

Chúng ta cũng có nhiều loại hình trường khác, để đáp ứng những yêu cầu giáo dục, đảm bảo chất lượng. Vì thế, tôi cho rằng, nên để các trường chuyên tập trung vào nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh năng khiếu. Việc không có các lớp không chuyên sẽ giúp các trường này tập trung vào chuyên môn, và sẽ có các trường khác thực hiện chức năng giáo dục với các mô hình dịch vụ khác”.

Nhiều phụ huynh bày tỏ tiếc nuối nếu mô hình này không còn tồn tại hay dừng tuyển sinh bởi cho rằng khối THCS của Trường Amsterdam đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh chất lượng; phân tải chỉ tiêu, số lượng cho tuyển sinh đầu vào các trường THCS công lập ở Hà Nội.

Tuy nhiên, theo bà Thơ, phụ huynh cũng không nên quá lo lắng. “Hiện tại, riêng ở Hà Nội, có rất nhiều trường chất lượng cao, chưa kể nhiều trường học khác cũng đang trong tiến trình thực hiện chiến lược nâng cao chất lượng. Những trường học đó hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu giáo dục của người dân. Tuy nhiên, về khách quan, chúng ta không thể không tiếc nuối những giá trị đã và đang được làm tốt, nay phải có sự thay đổi”.