Có hiện tượng tung tin đồn, mua đi bán lại nhiều lần để đẩy giá đất

Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương kiểm soát việc mua đi, bán lại các bất động sản trao tay nhiều lần, đặc biệt tại các dự án, khu vực có hiện tượng tăng giá bất thường như Hoài Đức, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ…

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản. Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã chủ động triển khai thực hiện các quy định liên quan đến thị trường bất động sản và đã đạt được một số kết quả nhất định như gia tăng nguồn cung, giao dịch tăng lên tại một số phân khúc phục vụ nhu cầu ở.

Kiểm soát chặt tình trạng mua đi bán lại

Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn chưa ổn định và vi phạm vẫn xảy ra ở một số địa phương. Một số nhà đầu tư và môi giới bất động sản đang gây nhiễu loạn thông tin bằng cách tung tin đồn và thực hiện các giao dịch mua bán nhiều lần để đẩy giá lên cao nhằm trục lợi.

Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư ở một số dự án và nhà ở riêng lẻ ở các khu vực như Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Ba Đình, và Hoài Đức đang tăng bất thường so với tình hình thực tế và nhu cầu của người dân.

gia-nha-ha-noi-1726055601.jpg
Giá căn hộ chung cư ở một số dự án đang tăng bất thường so với tình hình thực tế và nhu cầu của người dân

Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, một số trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất tại các huyện vùng ven Hà Nội có giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

Do đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tập trung kiểm tra và rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch và môi giới tại địa phương. Đồng thời, các đơn vị cần kiểm soát việc mua bán trao tay nhiều lần, đặc biệt ở những khu vực, dự án hoặc khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường. Các cơ quan thanh tra cũng cần có biện pháp xử lý các hành vi thổi giá, làm giá và đầu cơ, đồng thời xử lý các vi phạm pháp luật liên quan theo thẩm quyền.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động giá của từng loại hình bất động sản như chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất ở trên địa bàn trong giai đoạn vừa qua. Kiểm soát chặt chẽ việc phân lô, bán nền theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng người dân để đất trống, thực hiện hành vi đầu cơ, mua bán trao tay, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Công khai thông tin thị trường

Ngoài các biện pháp quản lý, Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị các địa phương công khai thông tin về thị trường bất động sản. Đồng thời, cần công bố rõ ràng các thông tin về chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, đầu tư hạ tầng, cũng như việc sáp nhập, thành lập hoặc nâng cấp các đơn vị hành chính tại địa phương.

Song song với đó, UBND các tỉnh cần công bố thông tin về các dự án bất động sản đã được phê duyệt và các chủ đầu tư đủ điều kiện huy động vốn theo quy định. Điều này nhằm đảm bảo tính minh bạch của thị trường và ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản.

dau-gia-dat-1726055710.jpg
Một số trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất tại các huyện vùng ven Hà Nội có giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội

Trước đó, tại một cuộc hội thảo về thị trường bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho biết, mấy năm nay, thị trường không có dự án mới được phê duyệt, cấp phép đầu tư. Các dự án chủ yếu là dự án cũ và mua đi bán lại, khiến nguồn cung vừa thiếu vừa kém chất lượng, cơ cấu sản phẩm không phù hợp cho cả nhu cầu ở và đầu tư nhưng giá lại tăng theo từng ngày.

Cũng theo ông Đính, việc giá chung cư Hà Nội tăng “chóng mặt” thời gian qua là bất thường. Bởi giao dịch thực không nhiều, có thể do một nhóm đầu tư có mục đích không trong sáng đẩy giá.

Bàn luận về các cuộc đấu giá thời gian qua, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty SBLaw cho biết, các khu vực này không có thay đổi đột biến nào về các yếu tố cơ bản như hạ tầng giao thông, quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, hoặc các dự án đầu tư lớn, có khả năng thu hút nhân lực và tăng nguồn thu ngân sách, để giải thích cho mức tăng gấp hàng chục lần giá khởi điểm.

Hơn nữa, đa số những người tham gia đấu giá đều là những người có “nghề” đấu giá với mục đích “lướt cọc thu tiền chênh” chứ không quan tâm đến giá trị thực. Điều này có thể dẫn đến việc giá trúng đấu giá bị đẩy lên bất hợp lý.

Ông Hà cảnh báo rằng hiện tượng này có thể là dấu hiệu của hành vi thao túng thị trường bất động sản. Nếu không được kiểm soát, nó có thể dẫn đến tình trạng "bong bóng" bất động sản, làm cho giá cả vượt xa giá trị thực tế.