Ca cấy chip não đầu tiên ở người: Đã có thể thực hiện "thần giao cách cảm" với máy tính

Tỷ phú công nghệ Elon Musk vừa cho biết, ca cấy chip não đầu tiên ở người đang bình phục tốt. Người thử nghiệm đã có thể điều khiển con trỏ (chuột) máy tính chỉ bằng suy nghĩ của mình. Đây mới chỉ là mục tiêu đầu tiên của thử nghiệm.

Thông tin được tỷ phú Elon Musk chia sẻ trên mạng xã hội X (Twitter cũ) cho biết, người đầu tiên được cấy chip từ công ty giao diện não máy tính Neuralink đã hồi phục và có thể di chuyển chuột máy tính chỉ bằng suy nghĩ.

Đây được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong tiến trình của công ty trong việc thử nghiệm cấy chip não giao diện máy tính - người vẫn đang gây nhiều tranh cãi thời gian qua. Mục tiêu của Elon Musk và Neuralink là thông qua những con chip được cấy ghép sẽ giúp khôi phục các chức năng đã mất trên người trước đó như chuyển động và thị giác, đồng thời tăng cường những chức năng khác như trí nhớ và trí thông minh...

Tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk.

Ca cấy ghép chip não đầu tiên được thông báo đã triển khai vào tháng trước. Elon Musk không chia sẻ nhiều thông tin về sự kiện này mà chỉ thông báo ngắn gọn trên trang mạng xã hội X của mình. Ngay sau khi thông tin được chia sẻ đã nhanh chóng bùng lên cuộc tranh luận trong giới khoa học. Trước đó, Neuralink cũng đã thực hiện các cuộc thử nghiệm khác trên động vật và cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ các tổ chức xã hội.

Công ty hiện vẫn đang trong giai đoạn đầu thử nghiệm, phát triển với mục tiêu sẽ triển khai rộng rãi công nghệ để “đọc” bộ não và điều khiển máy tính trong tương lai.

Tỷ phú Mỹ cho biết các sản phẩm đầu tiên của Neuralink sẽ bao gồm “Thần giao cách cảm”, cho phép người dùng điều khiển điện thoại hoặc máy tính chỉ bằng suy nghĩ. Đây là một trong những tính năng mà thử nghiệm lâm sàng đầu tiên này được thiết kế. Bên cạnh đó, công ty cũng đang nỗ lực trong phát triển các tính năng khác như phục hồi thị lực cho người mù, tăng cường trí nhớ và nâng cao trí thông minh....

Với đặc thù là những thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên người, vẫn còn một chặng đường dài phía trước đối với Neuralink. Nếu các thử nghiệm dẫn đến thành công, có thể sẽ mở ra những năng lực vô hạn khi con người và máy tính dễ dàng kết nối với nhau. Tuy nhiên, những đòi hỏi về công nghệ và tính an toàn, pháp lý với các thử nghiệm này cũng cao hơn rất nhiều so với các công nghệ chăm sóc, điều trị sức khỏe khác ở người. Tiêu chuẩn của các ca thử nghiệm trên người khỏe mạnh cũng cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn điều trị cho những bệnh nhân bị suy nhược thường xuyên, việc sử dụng cũng sẽ phải kéo dài nhiều năm hơn.

Các công ty công nghệ thần kinh khác trong lĩnh vực tương tự Neuralink đang tiến xa hơn trong việc thử nghiệm và tung ra các sản phẩm mới cho bệnh nhân. Tuy nhiên, các công ty đó đang tập trung vào việc điều trị là chủ yếu chứ không phải các tính năng bổ sung "siêu năng lực" như Neuralink.