Cách kiểm tra tên mình đang đăng ký bao nhiêu SIM điện thoại, ai cũng nên biết

Để tránh việc số CMND/CCCD của bản thân được sử dụng để đăng ký các SIM điện thoại mà bản thân không hay biết, người dân có thể tự kiểm tra thông qua các công cụ tra cứu của nhà mạng một cách dễ dàng.

Hiện nay, theo quy định, với mỗi nhà mạng, người dân có thể đăng ký sử dụng tới 3 số điện thoại khác nhau, chỉ khi sử dụng đến số điện thoại thứ 4 người dân mới phải thực hiện giao kết hợp đồng, các số điện thoại này đều phải được đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới được xem là hợp lệ. Tuy nhiên, trước đây, việc đăng ký thuê bao di động còn lỏng lẻo, một số đối tượng có thể lợi dụng thông tin, hình ảnh CMND/CCCD của người dùng để đăng ký cho nhiều SIM khác mà “chính chủ” không hề hay biết. Vì vậy, rất có thể có nhiều trường hợp, một số CMND/CCCD có thể đứng tên hàng chục SIM điện thoại khác nhau. Điều này chính là cơ sở cho các loại SIM rác phát tán trên thị trường.

Để kiểm tra CMND/CCCD của mình có bị lợi dụng để phát tán SIM rác hay không, người dân đã có thể tự mình kiểm tra trên điện thoại cá nhân thông qua tin nhắn theo cú pháp đơn giản, gửi đến tổng đài 1414 (miễn phí). Đây là số tổng đài chung được áp dụng cho tất cả các thuê bao di động hiện nay. Vì vậy, khách hàng của nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone... đều có thể thực hiện tra cứu.

Cú pháp cụ thể: “TTTB (dấu cách) Số CMND” gửi 1414. Kết quả sẽ được trả về ngay sau đó bao gồm thông tin của chủ thuê bao số điện thoại, tên, tuổi, số CCCD/CMND và những số điện thoại đã được đăng ký trên CCCD/CMND đó.

Sau tra cứu, nếu phát hiện có số thuê bao lạ trong danh sách mà kết quả trả về, người dân có thể phản ánh tới tổng đài của nhà mạng để kịp thời có biện pháp xử lý thích hợp, tránh những ảnh hưởng, phiền phức có thể mang lại về sau.

kiem-tra-thong-tin-thue-bao-1710755682.jpg
Để kiểm tra xem giấy tờ của mình có bị đứng tên cho những số điện thoại "lạ" hay không, người dân có thể soạn tin nhắn theo cú pháp và gửi tới tổng đài 1414.

Lưu ý, để tra cứu thông tin các thuê bao liên quan đến bản thân, người dùng buộc phải thực hiện trên điện thoại có thuê bao đã đăng ký chính chủ, đã được đồng bộ với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia của mình. Điều này được quy định nhằm tránh việc tự ý tra cứu thông tin qua số điện thoại và căn cước công dân của người khác.

Bên cạnh hình thức nhắn tin theo cú pháp kể trên, người dân cũng có thể truy cập website, gọi điện đến tổng đài nhà mạng mà mình đang sử dụng để được các tổng đài viên, nhân viên chăm sóc khách hàng hỗ trợ.

sim-rac-1710755543.jpg
Bộ TT&TT đã có chỉ đạo các nhà mạng di động thực hiện rà soát với những trường hợp bất thường bao gồm 1 giấy tờ đứng tên cho nhiều thuê bao.

Được biết, trong thời gian tới, Bộ TT&TT đang tích cực siết chặt hoạt động kiểm soát thuê bao di động từ các nhà mạng. Bộ đã có chỉ đạo thực hiện rà soát với những trường hợp bất thường bao gồm việc một giấy tờ cá nhân đứng tên từ 4 thuê bao trở lên. Người đứng đầu các nhà mạng phải chịu trách nhiệm nếu để lọt các loại SIM đã kích hoạt sẵn (SIM rác) ra thị trường.