Cần có quy định xử phạt rõ ràng hành vi dùng chất cấm trong sơ chế thực phẩm

Ông Nguyễn Văn Khuôn - Trưởng phòng Y tế TP. Thủ Đức cho rằng, cần phải ban hành các chế tài, có thông tư, nghị định hướng dẫn để xử lý nghiêm hành vi sử dụng chất cấm trong sơ chế thực phẩm, đặc biệt phải mang tính chất răn đe.

Khó xử lý cơ sở sử dụng chất cấm sơ chế thực phẩm

Hiện nay, TP. HCM đang triển khai kế hoạch tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Bên cạnh các cơ sở sản xuất suất ăn công nghiệp, đoàn kiểm tra của HĐND TP. HCM còn kiểm soát tại các chợ đầu mối. Sau Hóc Môn và Bình Điền, chợ đầu mối Thủ Đức cũng đã được kiểm tra.

so-che-1723811799.jpg
Đoàn kiểm tra của HĐND TP. HCM kiểm soát nguồn thực phẩm tại chợ đầu mối Thủ Đức (Ảnh: Giao Linh/SGGPO)

Hiện nay, chợ đầu mối Thủ Đức có 1.424 điểm kinh doanh, chủ yếu là bán trái cây, rau củ. Còn khu vực ngoài chợ và các tuyến đường xung quanh thuộc địa bàn các phường Bình Chiểu, Hiệp Bình Phước, Tam Bình của TP. Thủ Đức thì có khoảng 237 hộ kinh doanh, trong đó có 98 hộ không đăng ký kinh doanh. Đa phần các cơ sở này sơ chế nông sản như rau muống bào, chuối bào, sả bào, trái cây…

Liên quan đến những cơ sở này, BS.CK2 Nguyễn Văn Khuôn - Trưởng phòng Y tế TP. Thủ Đức cho biết, họ thường không có nơi buôn bán cố định, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi bán hàng. Đáng nói là quy trình sơ chế biến thực phẩm tại đây không đảm bảo vệ sinh.

Việc xử lý của cơ quan chức năng thì gặp khó khăn do các cơ sở kinh doanh ở bên ngoài chợ thường xuyên đổi tên người đại diện pháp luật hoặc địa điểm kinh doanh. Khi đoàn kiểm tra đến thì chỉ có nhân viên làm thuê. Bị lập biên bản, mời về làm việc, những người này không hợp tác, trả mặt bằng, chuyển địa điểm kinh doanh...

Ông Khuôn cho hay, thực tế ghi nhận việc xử lý vi phạm sử dụng chất cấm trong sơ chế, chế biến thực phẩm hiện nay không khả thi. Bởi việc thu giữ, bảo quản tang vật chờ xử lý vi phạm hành chính rất khó.

Theo quy định, khi đoàn an toàn thực phẩm kiểm tra sản phẩm nghi sử dụng chất cấm, thời gian từ khi lấy mẫu gửi phòng kiểm nghiệm tới lúc có kết quả, lượng hàng hóa niêm phong sẽ bị hư hại, chủ bỏ hàng, chuyển nơi kinh doanh khác. Ngoài ra, mỗi lần xử phạt chỉ bằng 10% tổng giá trị hàng hóa thì với những mặt hàng như măng, rau muống… đều không đáng kể, không đủ sức răn đe.

chat-cam-so-che-1723811533.png
Tình trạng sử dụng chất cấm để sơ chế thực phẩm tại chợ đầu mối Thủ Đức vẫn phức tạp (Ảnh: VOV)

Cần có quy định rõ ràng

Cách đây khoảng 2 năm, dư luận từng xôn xao khi Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM đưa ra thông tin, gần 50% mẫu rau quả ở các chợ đầu mối của thành phố có dư lượng hóa chất, hơn 40% mẫu hải sản chứa kim loại nặng...

Người dân đánh giá cao sự minh bạch về thông tin kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm này, bởi chỉ khi minh bạch thông tin thì mới tạo ra áp lực cho cả cơ quan quản lý cũng như cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Từ đó tạo chuyển biến tích cực, chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm với thực phẩm.

Quá trình chế biến thực phẩm không chỉ cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ mà còn cần lưu ý đến những hóa chất không được sử dụng. Việc sử dụng chất cấm trong thực phẩm là hành vi vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến sức khoẻ, gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, sử dụng chất cấm trong sơ chế thì chưa có quy định xử lý rõ ràng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Khuôn cho rằng, cần phải ban hành các chế tài, có thông tư, nghị định hướng dẫn để xử lý nghiêm hành vi sử dụng chất cấm trong sơ chế thực phẩm, đặc biệt phải mang tính chất răn đe. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm của toàn xã hội.

Việc sử dụng hóa chất quá liều lượng cho phép, dùng chất cấm trong sơ chế, cần phải xử lý nghiêm vì hiện nay nhiều người đang lợi dụng kẽ hở của pháp luật để vi phạm và chống đối cơ quan chức năng.