Vụ việc gây phẫn nộ tại Mái ấm Hoa Hồng: Cần thay đổi về cách từ thiện để tốt hơn cho trẻ!

Thạc sỹ Nguyễn Văn Bình chia sẻ, nhà tài trợ thường dễ xúc động với hình ảnh trẻ em ở trại mồ côi hơn là những đứa trẻ đang được nuôi dưỡng trong gia đình. Điều này vô tình khiến nguồn lực cần thiết cho việc chăm sóc trẻ trong gia đình và cộng đồng bị thiếu hụt.

Sự việc bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP. HCM) bạo hành trẻ bị phát hiện khiến dư luận phẫn nộ. Cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập này theo giấy phép được chăm sóc 39 bé. Tuy nhiên khi cơ quan chức năng kiểm tra thì lên tới 86 trẻ.

Luật Trẻ em ưu tiên biện pháp chăm sóc môi trường gia đình, hoặc môi trường gia đình thay thế - môi trường tốt nhất, chăm sóc tập trung chỉ là biện pháp cuối cùng. Tuy nhiên, quy định này không được thực hiện một cách nghiêm túc, dẫn đến tình trạng quá tải tại nhiều cơ sở.

tre-mo-coi-1725842932.jpg
Vụ bạo hành trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng khiến dư luận phẫn nộ

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập có tình trạng quá tải nhưng thường không báo cáo để chuyển trẻ sang nơi khác, mà vẫn giữ lại nhằm thuận tiện cho việc vận động các nguồn lực xã hội. Các cơ sở ngoài công lập, do không thu phí chăm sóc, được phép kêu gọi đóng góp từ cộng đồng và người dân, bao gồm tiền bạc, hàng hóa và các vật chất khác để nuôi dưỡng trẻ.

Theo nhiều chuyên gia xã hội học, việc quá tải dẫn đến không đảm bảo chăm sóc tốt cho trẻ, còn tiềm ẩn nguy cơ trẻ bị bạo hành. Chăm sóc trẻ theo môi trường gia đình hoặc môi trường gia đình thay thế nên được ưu tiên.

Thạc sỹ Nguyễn Văn Bình - Quỹ Khởi sự từ tâm chia sẻ, chăm sóc trẻ mồ côi dựa vào gia đình, cộng đồng và mạng lưới thân tộc là phương pháp được khuyến khích theo phát luật của Việt Nam cũng như các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn trẻ mồ côi vẫn phụ thuộc vào các mô hình chăm sóc tập trung.

Theo thạc sỹ Nguyễn Văn Bình, trong quá trình tiếp xúc với những người chăm sóc trẻ, có nhiều trường hợp phải dựa vào sự giúp đỡ từ người thân để tiết kiệm chi tiêu, duy trì việc chăm sóc trẻ tại gia đình. Điều này diễn ra trong bối cảnh có nhiều đề nghị gửi trẻ đến các cơ sở tập trung để được hỗ trợ tốt hơn về học tập và sinh hoạt.

tre-mo-coi-1-1725842932.jpg
Bảo mẫu bạo hành trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng (ảnh cắt từ clip của Báo Thanh niên)

Quỹ Khởi sự từ tâm đồng hành chăm sóc trẻ mồ côi dựa trên nền tảng gia đình. Quỹ đã thực hiện dự án Cùng làm cha mẹ giai đoạn 2022 - 2024. Trong phạm vi dự án, những người chăm sóc và trẻ em khi tham gia các buổi tập huấn đã có những thay đổi tích cực, bao gồm giảm bớt áp lực tinh thần và tăng cường kết nối giữa trẻ và người nuôi dưỡng.

Sau một năm tham gia dự án, trẻ em cho biết đã quản lý cảm xúc tốt hơn, suy nghĩ lạc quan hơn và tự tin hơn, trong khi các phụ huynh cũng tăng cường tâm sự với con cái nhiều hơn gấp 1,6 lần so với trước.

Tuy nhiên, thạc sỹ Bình cho biết, dự án gặp không ít khó khăn do phải dựa vào gây quỹ từ cộng đồng. Thói quen từ thiện của cộng đồng thường tập trung vào các trại mồ côi và mái ấm, trong khi việc hỗ trợ các trẻ mồ côi được nuôi dưỡng trong gia đình và cộng đồng lại ít được chú ý.

Nhà tài trợ thường dễ xúc động với hình ảnh trẻ em ở trại mồ côi hơn là những đứa trẻ đang được nuôi dưỡng trong gia đình. Điều này vô tình khiến nguồn lực cần thiết cho việc chăm sóc trẻ trong gia đình và cộng đồng bị thiếu hụt.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó trưởng ban Văn hoá Xã hội HĐND TP. HCM cũng nhận xét, nhiều quốc gia đã cấm việc đưa trẻ em vào các cơ sở nuôi dưỡng tập trung. Thay vào đó, họ phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em bằng cách tìm kiếm và giám sát chặt chẽ các gia đình thay thế, đảm bảo trẻ em có thể sống trong môi trường quen thuộc với sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Ông Nhựt nhấn mạnh, đây là mô hình cần được nghiên cứu, đánh giá để có những kiến nghị chính sách phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.