Cần thêm nhiều biện pháp xử lý người bỏ cọc sau khi đấu giá

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xử lý tình trạng bỏ cọc sau khi đấu giá thành công phải bằng nhiều hình thức chứ không chỉ nâng mức tiền đặt trước. Bởi lẽ, đất đai là tài sản có giá trị lớn, có thể tác động đến diễn biến thị trường bất động sản, chứng khoán.

Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Đấu giá tài sản tại kỳ họp thứ 7, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi bổ sung 43 điều và bãi bỏ 3 điều của Luật hiện hành; bổ sung 3 điều mới; tăng 18 khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới.

Một trong những nội dung cụ thể được chú ý nhất dự thảo Luật sửa đổi lần này là các vấn đề liên quan đến tiền cọc trong đấu giá đất đai, nhằm hạn chế tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc, bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản, đất đai, tần số vô tuyến điện…

vu-hong-thanh-1716452923.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Đấu giá tài sản tại kỳ họp thứ 7

Theo đó, dự thảo đã quy định rõ hơn về tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù và thường là tài sản có giá trị lớn, có thể tác động đến thị trường chứng khoán, bất động sản. Mức đặt tiền trước được quy định tối thiểu là 10%, tối đã là 20% giá khởi điểm. Đồng thời bổ sung trường hợp đấu giá quyền cho thuê tài sản mà giá khởi điểm được xác định theo đơn giá thuê hàng năm thì tiền đặt trước tối thiểu là 5%, tối đa là 20% giá khởi điểm nhân với thời hạn cho thuê.

Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, việc nâng mức tiền cọc chưa xử lý được triệt để tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế đối tượng đủ điều kiện tham gia, nhất là những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng tiềm năng.

"Việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc phải được xử lý bằng các hình thức khác chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước", ông Vũ Hồng Thanh cho biết.

Theo đó, UBTVQH đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để hoàn thiện quy định tiền đặt trước theo hướng tăng theo lũy kế sau mỗi bước giá khi sửa đổi toàn diện Luật Đấu giá tài sản nhằm ngăn chặn việc người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường trong quá trình đấu giá nhưng sau đó bỏ cọc.

Về chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp đủ tiền, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phạm sẽ bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài mà người đó tham gia đấu giá trong thời hạn 6 tháng đến 5 năm . Điều này nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong hoạt động đấu giá tài sản.

khu-dat-tan-hoang-minh-bo-coc-1716452884.jpg
Khu đất 3-12 (Khu Đô thị mới Thủ Thiêm) từng gây chấn động thị trường với mức đấu giá thành công lên đến 2,45 tỉ đồng/m2 nhưng sau đó Tân Hoàng Minh đã bỏ cọc

Liên quan đến vấn đề người tham gia đấu giá bỏ cọc gây ảnh hưởng đến thị trường chung, còn nhớ, hồi cuối năm 2021, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp TP.HCM) đã tiến hành bán đấu giá 4 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với tổng số tiền trúng đấu giá lên đến 37.346 tỉ đồng.

Trong đó, lô đất 3-12 có đất diện tích 10.059 m2, giá khởi điểm 2.942 tỉ đồng, được Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá 24.500 tỉ đồng, cao gấp 8,3 lần giá khởi điểm. Với mức giá đấu thành công này, công ty đã định vị giá trị mỗi m2 đất tại lô đất này là 2,45 tỉ đồng.

Kết quả đấu giá này đã gây chấn động thị trường vào thời điểm đó. Ngay lập tức, giá đất xung quanh khu vực bị “thổi” lên theo. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Ngôi Sao Việt đã có văn bản chính thức xin chấm dứt hợp đồng, chấp nhận mất số tiền tiền cọc gần 600 tỉ đồng.

Tiếp nối Ngôi Sao Việt, Công ty TNHH Đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh cũng gửi văn bản chính thức đến các cơ quan chức năng của thành phố xin không tiếp tục triển khai dự án tại lô đất 3-9 cùng phiên đấu giá, chấp nhận bỏ 140 tỉ đồng tiền cọc. Tương tự, Công ty CP Sheen Mega lô số 3-8 và Công ty Cổ phần Dream Republic lô số 3-5 dù xin trình bày hoàn cảnh và chậm nộp cũng như rải đều số tiền cùng thời gian... Tuy nhiên, ngay cả lúc cơ quan thuế quyết định cưỡng chế thì trong tài khoản ngân hàng của cả 2 công ty này đều không có tiền.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội, việc trúng đấu giá đất với giá cao rồi bỏ cọc sẽ xác lập mặt bằng giá mới cho toàn bộ khu vực xung quanh. Nhiều người sẽ căn cứ vào giá như vậy sẽ tính giá chuyển nhượng lên cao. Đặc biệt gây khó khăn cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.