Cẩn trọng với các chiêu trò lừa đảo bán hàng thanh lý qua mạng

Thời gian gần đây, các vụ lừa đảo liên quan đến mua bán hàng thanh lý qua mạng xã hội ngày càng gia tăng, khiến nhiều người mua rơi vào bẫy của các đối tượng xấu. Thủ đoạn chủ yếu là yêu cầu người mua đặt cọc trước một khoản tiền rồi chiếm đoạt, sau đó cắt đứt liên lạc.

Tiết kiệm chi phí

Trước đây, người tiêu dùng thường e ngại khi mua sắm các món hàng đã qua sử dụng. Nhưng hiện nay, từ đồ gia dụng như tủ lạnh, bàn ghế đến quần áo, giày dép và đồ trẻ em đều được thanh lý khi không còn nhu cầu sử dụng, với giá thường chỉ bằng một nửa so với hàng mới. Trên các trang mạng xã hội, rất nhiều hội nhóm chuyên thanh lý và mua bán đồ cũ được lập ra.

Đây là một xu hướng giúp những người không còn nhu cầu có thể thanh lý đồ và thu hồi một khoản tiền, trong khi người mua lại có cơ hội sở hữu những món đồ cần thiết với mức giá hợp lý. Do đó, việc chọn mua hàng thanh lý trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều người, giúp họ tiết kiệm đáng kể chi phí.

lua-dao-thanh-ly-1729125747.jpg
Nhiều hội nhóm chuyên thanh lý và mua bán đồ cũ được lập ra trên mạng xã hội

Chị Trần Thu Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) có sở thích nấu ăn nên rất thích mua dụng cụ nhà bếp, dù không thực sự cần thiết. Thế nên để tiết kiệm chi phí, chị Lan thường truy cập vào các trang web bán đồ thanh lý để tìm kiếm các dụng cụ nấu ăn còn sử dụng tốt. Chị Lan cho biết, có lần chị đã mua được một bộ nồi inox cao cấp đã qua sử dụng nhưng vẫn còn rất mới, với giá chỉ bằng 30% giá thị trường.

Khi chuyển vào phòng trọ mới, do tài chính hạn hẹp, chị Võ Thị Tố Trinh (quận 6, TP.HCM) quyết định chọn mua hàng thanh lý. Chị chia sẻ, chị đã mua tủ lạnh và bếp cũ. Ban đầu, chị lo lắng về chất lượng của các sản phẩm thanh lý, nên đã trực tiếp đến cửa hàng để xem tủ lạnh và bếp gas. Dù không được ưng ý lắm nhưng do giá của những món mới quá cao, chị quyết định chọn đồ cũ.

Trong khi đó, chị Kiều Vân (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ, chị mới sinh em bé nên các chi tiêu sinh hoạt hàng ngày cần tính toán cẩn thận hơn. Biết trẻ con lớn nhanh, đồ dùng mua rồi sẽ nhanh chóng không cần nữa, chị đã tìm đến các hội nhóm thanh lý để mua một chiếc xe đẩy cho con. Cuối cùng, chị đã tìm được một chiếc xe đẩy còn khá mới, được rao bán với giá 700.000 ngàn đồng. Trao đổi với người bán, chị được yêu cầu đặt cọc trước vì có nhiều người khác cũng đang quan tâm, nếu không cọc thì món hàng sẽ được bán cho người khác. Sau khi cân nhắc, chị Vân đã chuyển khoản cọc.

lua-dao-thanh-ly-1-1729125748.jpg
Các món đồ thanh lý có giá rẻ hơn nhiều so với đồ mới, giúp tiết kiệm chi phí

Cẩn thận bị lừa đảo

Tuy nhiên, việc mua hàng thanh lý không phải lúc nào cũng an toàn. Thực tế, đã có nhiều trường hợp cơ quan chức năng bắt giữ và xử lý các vụ lừa đảo liên quan đến việc bán hàng thanh lý qua mạng xã hội.

Điển hình, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ Cao Thị Huyền Trang (SN 2001, Hà Nội) với hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo điều tra ban đầu, Trang đã sử dụng tài khoản Facebook giả mạo tên Nguyễn Hoàng Thu Phương để đăng tin rao bán thanh lý các mặt hàng như tủ lạnh, tivi, sofa với giá rẻ hơn thị trường. Nhiều người thấy giá hấp dẫn đã liên hệ với Trang để thỏa thuận mua hàng và chuyển tiền, nhưng sau đó đều bị lừa.

Trang yêu cầu người mua chuyển khoản đặt cọc từ 1-10 triệu đồng vào hai tài khoản ngân hàng: tài khoản AU DUC PHUONG số 0202014206101 hoặc tài khoản NGUYEN HOAI PHUONG số 0106972296101 tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Sau khi nhận được tiền, Trang gửi hình ảnh xác nhận hàng đã được chuyển lên xe và cung cấp số điện thoại của nhà xe để khách hàng liên lạc kiểm tra. Đối tượng khác sau đó đóng vai nhà xe xác nhận hàng đã được xếp lên xe, khiến người mua tin tưởng và chuyển thêm tiền đặt cọc.

Sau khi nhận được tiền, Trang chuyển khoản qua nhiều tài khoản ngân hàng khác và mua tiền ảo USDT trên các sàn giao dịch để che giấu nguồn gốc tiền. Số tiền ảo này sau đó được bán lại cho một đối tượng khác ở Hà Nội để nhận lại tiền VNĐ. Với chiêu trò này, Cao Thị Huyền Trang đã lừa đảo hơn 100 người trên khắp cả nước, chiếm đoạt số tiền lên đến khoảng 1,3 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 11/9/2022, Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cũng đã bắt giữ Nguyễn Văn Quang với tội danh tương tự. Quang đã lập nhiều tài khoản Facebook giả mạo để bán hàng và chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng từ người mua trên toàn quốc.

Cụ thể, Quang sử dụng các tài khoản ảo để đăng tin trong các nhóm mua bán, rao bán đồ cưới hỏi thanh lý với số lượng lớn bàn ghế giá rẻ. Khi có người liên hệ mua, Quang yêu cầu họ chuyển khoản đặt cọc 10% giá trị đơn hàng. Sau khi nhận tiền, Quang chặn liên lạc với khách hàng.

Cơ quan công an cảnh báo người dân nên thỏa thuận kỹ với người bán về phương thức thanh toán khi mua hàng online. Chỉ nên thanh toán sau khi nhận và kiểm tra hàng để tránh bị lừa đảo. Ngoài ra, người mua nên ưu tiên giao dịch qua các sàn thương mại điện tử lớn, uy tín để giảm thiểu rủi ro.