Cẩn trọng với “cơn sốt nóng” đất đấu giá

Thị trường đất đấu giá đang diễn ra sôi động tại nhiều địa phương trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần thận trọng bởi hiện tượng “quân xanh, quân đỏ” vẫn chưa được xử lý triệt để.

Từ đầu năm 2024 đến nay, mức thu từ đấu giá đất của các huyện ngoại thành Hà Nội ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Đơn cử, huyện Mê Linh đã tổ chức thành công 8 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, thu ngân sách 780 tỉ đồng.

Đáng chú ý nhất là phiên đấu giá ngày 7/6, huyện Mê Linh đã tổ chức đấu giá thành công 54 thửa đất tại xã Tiến Thịnh và xã Tam Đồng. Phiên đấu giá thu hút gần 200 khách hàng đăng ký, hơn 600 hồ sơ, thu về 187 tỉ đồng, chênh hơn 52 tỉ đồng so với khởi điểm.

Ồ ạt đấu giá

Tương tự, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cũng cho biết vừa tổ chức đấu giá quyền sử dụng đối với 6 thửa đất ở tại khu Gạc Chợ với tổng diện tích 718,3m2. Trong đó, có 2 thửa có mức giá khởi điểm từ 66,7 triệu đồng/m2 và 4 thửa có mức giá 75,4 triệu đồng/m2.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Phúc Thọ đã tổ chức 9 phiên đấu giá với tổng diện tích hơn 19.500m2 với số tiền thu về là 379,384 tỉ đồng. Cũng tại Hà Nội, thông tin từ UBND huyện Đông Anh, trong quý I/2024, các đơn vị chức năng đã tổ chức thành công 6 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, thu nộp ngân sách khoảng 800 tỉ đồng.

Tương tự, huyện Hoài Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai…cũng là “điểm nóng” đấu giá đất với mức giá khởi điểm được các địa phương xác định đều ở mức cao.

dau-gia-dat-1718012557.png
Đất đấu giá lại "sốt" với tín hiệu phục hồi của thị trường

Không chỉ tại Hà Nội, trong vòng hơn 1 tháng qua, thị trường đất đấu giá tại Bắc Giang cũng liên tục trong tình trạng “sốt nóng”. Mới đây, trong phiên đấu giá đất tại huyện Tân Yên hồi đầu tháng 6 đã kết thúc với 84/87 lô đất đấu giá thành công, thu về 130 tỉ đồng, chênh gần 55 tỉ đồng so với giá khởi điểm.

Trước đó, trong tháng 5, huyện Tân Yên cũng ghi nhận hàng loạt phiên đấu giá được tổ chức thành công. Gây ấn tượng nhất là phiên đấu giá tại xã Ngọc Thiện thu hút gần 1.000 khách tham gia, 66 lô đất được bán rất nhanh, lô chênh cao nhất hơn 1,2 tỉ đồng.

Trong giai đoạn tới, một số địa phương khác như huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) sẽ đấu giá quyền sử dụng 75 lô đất tại Khu dân cư Tri Thủy vào ngày 28/6 có diện tích từ 114-117,5 m2/lô, giá khởi điểm từ 772,92 triệu đồng đến hơn 2,11 tỉ đồng/lô; ngày 21/6, UBND huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) cũng sẽ tổ chức đấu giá đối với 269 lô đất ở Khu dân cư mới (thôn Lễ Nghĩa), giá khởi điểm từ 2,8 đến 7,5 triệu đồng/m2…

Hay như ngày 1/7 tới, thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk) sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 32 thửa đất tại Khu dân cư TDP4 (phường Tân Lập). Các thửa đất có diện tích từ 110-125 m2/thửa, giá khởi điểm từ 3,351 - 4,287 tỷ đồng/lô. Tổng giá khởi điểm 32 thửa đất đấu giá là hơn 118,064 tỷ đồng.

Cẩn trọng với những bài học quá khứ

Nhìn vào những phiên đấu giá thành công có thể thấy, điểm chung của các lô đất đắt khách này đều nằm trong khu vực có thông tin quy hoạch “khủng”. Nếu như ở Mê Linh là dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô, Đông Anh với những thông tin lên quận, thì huyện Hoài Đức là dự án tuyến đường vành đai 3,5 cùng tuyến Metro Nhổn – ga Hà Nội…

Thực tế, ngoại trừ năm 2023 “đìu hiu” do tác động từ thị trường chung, đất đấu giá luôn được xem là “món khoái khẩu” của các nhà đầu tư bất động sản, nhất là trong bối cảnh nguồn cung bị hạn chế, quỹ đất sạch khan hiếm, những quy định siết phân lô bán nền sắp có hiệu lực, các sản phẩm đấu giá lại càng hấp dẫn.

Những năm trước đó, đất đấu giá có thể mang lại ngay khoản chênh 50-100 triệu đồng/lô chỉ ngay khi vừa công bố nhà đầu tư trúng giá, với người sở hữu nhiều lô có thể lãi luôn cả tỷ đồng trong ngày. Tuy nhiên, “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma” nhà đầu tư tự tin bỏ giá quá cao, không bán được buộc phải ôm đất.

dat-dau-gia-tai-dong-anh-1718012629.jpg
Nhiều người sẵn sàng trả mức giá gấp 8 lần giá khởi điểm để sở hữu lô đất đấu giá với kỳ vọng có tiền ngay sau phiên 

Anh Đức Vượng (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, trong giai đoạn 2020-2022, anh tham gianhieeuf phiên đấu giá ở quanh vùng ven Hà Nội. Ban đầu, kết thúc mỗi phiên đấu giá anh đều “có tiền mang về” nên những phiên sau mạnh dạn trả giá gấp 8 lần giá khởi điểm để mua 3 lô đất tại Thanh Oai (Hà Nội). Tuy nhiên, đến nay, 3 lô đất này vẫn “bất động”, chưa thể giao dịch.

Tương tự anh Hoàng Thắng (nhà đầu tư tại Hà Nội) cho biết, năm 2021, Bắc Giang tổ chức nhiều phiên đấu giá đất tại huyện Việt Yên, anh cũng nộp hồ sơ tham dự. Tại thời điểm đó, thị trường bất động sản khu vực này vẫn được nhiều người quan tâm, các phiên đấu giá lúc nào cũng chật kín người.

Không khí “nóng hầm hập” nên đa phần các lô đất thường được trả giá cao gấp 2-3 lần so với giá khởi điểm. Anh Thắng cũng trúng được lô 80m2 với giá gấp 2,2 lần khởi điểm. Tuy nhiên, đến nay thị trường rơi tự do, nên anh này vẫn “mắc kẹt” tại lô đất trúng đấu giá. Không ít nhà đầu tư chấp nhận bán cắt lỗ để thu hồi vốn, trả nợ.

Sau bài học “tưởng ngon ăn”, anh Đức Vượng đúc kết được kinh nghiệm, đất đấu giá có nền tảng pháp lý tốt nên phù hợp với người không sử dụng đòn bẩy tài chính, để nếu thị trường có đi xuống thì có thể giữ lại chờ hồi phục. Còn với những người dùng đòn bẩy thì cần cân nhắc trước khi tham gia.

Trong khi đó, các chuyên gia của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho biết, nguy cơ thổi giá chưa thể chấm dứt hoàn toàn, tình trạng “quân xanh, quân đỏ” vẫn có thế có tại các cuộc đấu giá nên người dân cần hết sức lưu ý, để tránh bị cuốn vào các cơn sốt ảo, gây nhiễu loạn thị trường.

Ngay cả các địa phương khi tổ chức đấu giá cũng cần lưu ý về khả năng có một số người dùng biện pháp đẩy giá, bởi người có nhu cầu thực đang rất lớn, tâm lý nhà đầu tư cũng dần phục hồi theo tín hiệu của thị trường.