Hoãn xuất cảnh ngay trước giờ bay
Đêm 22/9 và sáng 23/9, trụ sở Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Educa Việt Nam (gọi tắt Công ty Educa Việt Nam) ở số 78 Duy Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã bị rất đông người bao vây để thắc mắc việc vì sao họ không thể bay được sang Hàn Quốc. Sự việc này đã khiến hàng trăm lao động bơ vơ tại sân bay Nội Bài và sân vận động Mỹ Đình.
Theo những người lao động này, Công ty Educa Việt Nam thông báo thời gian xuất cảnh là 23h10 ngày 22/9/2024. Danh sách xuất, nhập cảnh có đóng dấu của doanh nghiệp bảo lãnh (đã được Cục Xuất nhập cảnh chấp thuận vào Hàn Quốc). Tuy nhiên, sát giờ bay, công ty bất ngờ cho biết hoãn xuất cảnh. Điều này khiến hàng trăm người lao động rơi vào trạng thái khủng hoảng, bức xúc vì số tiền mỗi người đã đóng lên đến gần 300 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Hậu (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, 3h chiều ngày 22/9, chị và chồng ngồi tại quán cà phê đối diện sân vận động Mỹ Đình để đợi xe của công ty đón ra sân bay. Chị và chồng ngồi đợi đến 10h tối vẫn không thấy xe đón. Sau đó, phía công ty thông báo hoãn chuyến bay.
Khi vợ chồng chị về đến nhà thì thấy trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh hàng trăm người tập trung trước trụ sở công ty nên vô cùng nóng ruột. Đến sáng, 2 vợ chồng lại tiếp tục bắt xe vào nội thành ngồi chờ đợi lấy lại tiền. Đến 13h ngày 23/9, tài khoản của chị thông báo nhận về 270 triệu đồng.
Còn anh Long (tỉnh Nghệ An) cho biết, công ty đã nhiều lần hứa hẹn, nhưng anh vẫn chưa được xuất cảnh. Vài ngày trước, anh nhận được thông báo xuất cảnh nên đã cùng người thân đến địa điểm tập trung do công ty sắp xếp tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Vậy mà sát giờ bay, phía công ty lại báo không thể xuất cảnh khiến anh vô cùng bức xúc.
Trong khi đó, trao đổi với Báo Lao động, Công ty Educa Việt Nam cho hay, hoãn chuyến bay là do lao động không có mặt theo danh sách đăng ký trước đó - trong khi công ty đã cam kết với phía Hàn Quốc là không phát sinh thêm hoặc bớt về số người lao động. Đến giờ chót, những người lao động không lên và cũng không liên lạc được, trong khi công ty không dám đơn phương hủy chuyến bay của họ. Đại diện công ty cho biết thêm, công ty hiện đã trả lại toàn bộ số tiền cho người lao động.
Xử lý nghiêm để bảo vệ quyền lợi người lao động
Ngày 24/9, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - Phạm Viết Hương đã ký văn bản khẳng định, Công ty Educa Việt Nam không được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Văn bản nhấn mạnh, đây là vụ việc lớn, phức tạp, liên quan đến số lượng lớn người lao động, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và lừa đảo người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.
Để kịp thời xử lý vụ việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị Công an TP. Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng trong ngày 24/9, Cục Quản lý lao động ngoài nước còn phát đi cảnh báo về tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo đưa lao động thời vụ sang Hàn Quốc làm việc trái phép theo diện visa E8.
Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định, Chương trình lao động thời vụ diện visa E8 là hợp tác trực tiếp giữa địa phương của Việt Nam và Hàn Quốc để tuyển chọn đưa người lao động cư trú tại địa phương sang làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc.
Đến nay, có 17 địa phương gồm Đà Nẵng, Thái Bình, Hà Nam, Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Quảng Bình, Hậu Giang, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Nam Định, Đắk Lắk, Yên Bái, Lâm Đồng, Bạc Liêu và Phú Yên đã ký thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc theo thị thực E8.
Tại các địa phương trên, việc tuyển chọn, làm hồ sơ, thủ tục và đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc do cơ quan chức năng của địa phương thực hiện. Để tránh bị lừa đảo, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo, người lao động liên hệ trực tiếp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở để tìm hiểu thông tin liên quan và làm các thủ tục cần thiết.
Cục nhấn mạnh người lao động tuyệt đối không nghe theo các thông tin quảng cáo không chính thống và không liên hệ với các tổ chức, cá nhân trung gian, môi giới. Ngoài ra, người lao động cũng có thể liên hệ với Cục theo số điện thoại 0243.8.249.517, số máy lẻ 511 hoặc 304 để tìm hiểu thông tin liên quan.
Liên quan đến tình trạng xuất khẩu lao động đi nước ngoài, mới đây, Công an TP. Hà Nội cho biết, tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố đang xuất hiện trào lưu xuất khẩu lao động sang Đức, Canada. Tuy nhiên, giữa Việt Nam và các quốc gia nói trên chưa đạt được thỏa thuận hợp tác về xuất khẩu lao động, chưa có công ty được cấp phép đưa người sang lao động tại các nước này.
Thực tế ghi nhận, hiện nay nhiều công ty không được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn tổ chức tư vấn, thu tiền. Sau đó, công ty này “bắt tay” với bên thứ 3 để “hợp thức hóa” việc tổ chức đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.
Đơn cử như Công ty Cổ phần giáo dục quốc tế T&T (phường Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã nhận tiền của 75 khách hàng với số tiền nhiều tỷ đồng để tổ chức đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Khi sự việc bị “bóc phốt”, công ty này lại đổ lỗi cho bên thứ 3 là Công ty TNHH Nhân lực toàn cầu Bảo Châu (xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội).
Đáng nói, Công ty TNHH Nhân lực toàn cầu Bảo Châu cũng không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Hiện, vụ việc đang được Công an huyện Hoài Đức phối hợp với VKSND cùng cấp điều tra, giải quyết tin báo tố giác tội phạm theo quy định.
Một trường hợp khác là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển nhân lực GHR Global (đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu giấy, Hà Nội) do bà Phạm Thị Hồng Giang là người đại diện pháp luật. Công ty này không được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài nhưng vẫn thu gần 300 triệu đồng của người lao động để thực hiện “đơn hàng” xuất khẩu lao động đi Canada. Đến nay, sau hơn 1 năm chờ đợi trong mỏi mòn, người lao động không được “bay”, trong khi tiền không lấy lại được.