Chậm triển khai do đâu?
Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc được đầu tư xây dựng từ năm 2015 với tổng mức đầu tư 1.644,728 tỷ đồng. Dự án đã được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt tại Quyết định số 555/QĐ-UBND ngày 20/3/2015, sau đó điều chỉnh tại Quyết định số 2565/QĐ-UBND ngày 18/10/2023.
Với tổng mức đầu tư kể trên, có 30% vốn nhà đầu tư (BOT) cụ thể là 493,418 tỷ đồn và 1.151,310 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương (chiếm 70%). Dự án dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian 10 năm từ 2015 – 2025. Đến nay giá trị thực hiện dự án là 1.069 tỷ đồng, đạt 80,3% khối lượng.
Được biết với 1.151,310 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước, dự án cần triển khai các hạng mục: phần còn lại của bến cầu chính dài 120, đê chắn sóng 850m, hệ thống nhà ga, sân bay, phao tiêu báo hiệu, đường dẫn vào cảng, hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra còn có các chi phí thực hiện đầu tư như quản lý dự án, tư vấn, giải phóng mặt bằng…. Đến nay nhiều hạng mục của dự án như nhà ga, sân bãi, đường dẫn vào cảng, hệ thống phao tiêu báo hiệu và nạo vét luồng hàng hải, công tác giải phóng mặt bằng... chưa hoàn thiện.
Với 493,418 tỷ đồng vốn nhà đầu tư, dự án đã thực hiện các công việc gồm: bến cầu chính 120m, cầu dẫn 1004m, hệ thống chiếu sáng, cấp nước, đóng 2 tàu lai (3.500HP). Ngày 27/4/2017 các hạng mục: Cầu chính 120, cầu dẫn 1004m, hệ thống chiếu sáng, cấp nước với số tiền hơn 380 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành.
Hiện chưa triển khai đóng mới 2 tàu lai phục vụ khai thác. Ở gói thầu số 3, một phần hạng mục hệ thống cấp nước, chiếu sáng, nằm trên mặt bằng thi công (120m bến chính còn lại) chưa được thi công.
Phó Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc Đoàn Văn Tiến cho biết, dự án đang gặp một số khó khăn phải kế đến như: Thông báo an toàn hàng hải; Nghiệm thu Phòng cháy và chữa cháy; Chứng nhận an ninh bến cảng theo quy định; Công tác nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng; Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; Nội dung ký kết hợp đồng BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao).
Không để hình ảnh du lịch Phú Quốc bị ảnh hưởng
Ông Đoàn Văn Tiến cũng thông tin thêm, địa phương này đã kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang xem xét giao Sở GTVT là cơ quan quản lý chuyên ngành thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán các hạng mục còn lại của dự án.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ công tác trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư điều chỉnh dự án; phê duyệt điều chỉnh bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn, thi công, bảo hiểm…của hạng mục phao tiêu nạo vét luồng và trạm cấp điện, cấp nước.
Về các thủ tục chứng nhận an ninh bến Cảng, Phó Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc kiến nghị UBND tỉnh giao Cảng vụ hàng hải Kiên Giang hướng dẫn.
Liên quan tới dự án Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành nhấn mạnh, hiện tại Phú Quốc có cảng nhưng khách phải tăng bo bằng tàu nhỏ vào cảng khiến hình ảnh du lịch của địa bị ảnh hưởng. Do đó việc sớm đưa Cảng hành khách Quốc tế Phú Quốc vào khai thác là điều vô cùng cần thiết.
Sau khi nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Phạm (Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kiên Giang) cho hay một số hạng mục được phân công đã được Sở tiến hành triển khai. Tuy nhiên để dự án sớm đi vào hoạt động thì cần phải có sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý từ cấp bộ, ngành thì mới gỡ được nhiều “điểm vướng”.
Trước đó nhằm đưa cảng vào hoạt động trong quý 3/2023, ngày 8/3/2023 Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn đã chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh hỗ trợ UBND TP. Phú Quốc hoàn thiện thủ tục.
Sau đó, với mục tiêu đưa cảng vào hoạt động tháng 9/2023, ngày 10/5/2023, ông Lâm Minh Thành (Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang) đã chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh hỗ trợ và phối hợp với TP. Phú Quốc hoàn thiện các thủ tục vướng mắc. Tuy nhiên tới nay dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động.