Căng thẳng "cuộc chiến" về chip, Malaysia đang là điểm đến hấp dẫn của các công ty bán dẫn?

Intel, GlobalIFoundries và Infineon hiện đã thành lập hoặc mở rộng hoạt động tại Malaysia trong vài năm qua. Điều khiến khiến các chuyên gia dự báo, Malaysia đang chuyển mình thành điểm đến hấp dẫn với các công ty bán dẫn trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung về chip.

Malaysia đang nổi lên như một địa điểm hấp dẫn thu hút các nhà máy bán dẫn trong vài năm qua, khi nhu cầu chip thế giới tăng vọt, kể từ thời điểm đại dịch Covid-19 bùng nổ và khi những mô hình AI đầu tiên trên thế giới được giới thiệu.

Sự tăng cao về nhu cầu cùng những bất ổn về nguồn cung do căng thẳng Trung – Mỹ đã buộc các công ty phải đa dạng hóa hoạt động sản xuất của mình. Việc mở rộng khu vực sản xuất ra nhiều nước trên thế giới để giảm thiểu các thiệt hại do các lệnh cấm cũng là sự lựa chọn của họ. Tuy nhiên, điểm đến ở đâu còn phụ thuộc vào chính sách thu hút của các chính phủ.

malaysia-1712275473.jpg
Malaysia đang trở thành điểm đến hấp dẫn với các công ty chip toàn cầu.

Theo người đứng đầu dự án quan hệ quốc tế kỹ thuật số tại LSSE IDEAS – Cơ quan nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London là Kenddrick Chan cho biết: “Malaysia có cơ sở hạ tầng được thiết lập tốt với khoảng 5 thập kỷ đầu tư cho các lĩnh vực phụ trợ của quy trình sản xuất chất bán dẫn, đặc biệt  là lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói.

Hãng chip khổng lồ Intel của Mỹ cho biết, sẽ đầu tư hơn 7 tỷ USD để xây dựng một nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip ở Malaysia, dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm 2024.

Ail Kean Chong – Giám đốc điều hành Intel Malaysia khẳng định: “Quyết định đầu tư vào Malaysia của chúng tôi bắt nguồn từ việc nước này sở hữu nguồn nhân lực cao, cơ sở hạ tầng tốt và chuỗi cung ứng mạnh mẽ”.

Cơ sở sản xuất đầu tiên của Intel ở nước ngoài được đặt ở Penang (Malaysia) vào năm 1972 với khoản đầu tư 1,6 triệu USD. Công ty tiếp tục bổ sung một cơ sở thứ 2 tại nước này sau đó, hoạt động như một trung tâm thiết kế và phát triển.

Gã khổng lồ chip thứ 2 của Mỹ là GlobalFoundries cũng đã mở một trung tâm ở Penang hồi tháng 9 năm ngoái để hỗ trợ các hoạt động sản xuất toàn cầu, cùng với các nhà máy ở Singapore, Mỹ và Châu Âu.

Tan Yew Kong, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Tổng Giám đốc của GlobalFoundries Singapore cho biết: “Các chính sách có tư duy tiến bộ và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền khu vực cùng với các đối tác như InvestPenang đã xây dựng một hệ sinh thái để ngành phát triển mạnh mẽ”.

Nhà sản xuất chip hàng đầu của Đức là Infineon vào tháng 7/2022 cũng cho biết, sẽ xây dựng mô-đun chế tạo tấm bán dẫn (wafer) thứ ba ở Kulim. Trong khi đó, Neways - nhà cung cấp chính cho nhà sản xuất thiết bị chip Hà Lan ASML cũng đang xây dựng một cơ sở sản xuất mới ở Klang.

Các chuyên gia phân tích, một lợi thế của Malaysia ở thời điểm hiện tại là đồng ringgit đang có giá tốt và ổn định khiến Malaysia trở thành một địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia cho biết, nước này đang nắm giữ 13% thị trường toàn cầu về dịch vụ đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm chip. Xuất khẩu thiết bị bán dẫn và mạch tích hợp tăng 0,03% lên 387,45 tỷ ringgit Malaysia (81,4 tỷ USD) vào năm 2023.

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia là ông Datuk Seri Wong Siew Hai cho biết, nhiều công ty Trung Quốc đã đa dạng hóa hoạt động sản xuất sang Malaysia và gọi quốc gia này là “cộng một” của Trung Quốc.

Zafrul Aziz, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia cũng nhấn mạnh, nước này đặt mục tiêu tập trung vào “mặt trước” của quy trình sản xuất chip, thay vì chỉ “mặt sau”. Các quy trình mặt trước liên quan đến chế tạo tấm bán dẫn và quang khắc, trong khi các quy trình mặt sau tập trung vào việc đóng gói và lắp ráp.

malaysia-emerges-as-semiconductor-hotspot-amid-us-china-tensions-1712275641.jpg
Malaysia đang tham gia sâu hơn vào quá trình sản xuất chip, thay vì chỉ gia công, đóng gói như trước.

Trong nỗ lực phát triển hệ sinh thái bán dẫn của đất nước và thu hút đầu tư, hồi tháng 1 năm nay, Malaysia thành lập lực lượng đặc nhiệm chiến lược bán dẫn quốc gia. Tuy vậy, một vấn đề lo ngại đối với giới chức địa phương là việc chảy máu chất xám, đặt ra thách thức khi người lao động rời khỏi đất nước để có triển vọng việc làm tốt hơn và mức lương cao hơn. Điều này có thể xảy ra nếu các công ty đầu tư vào việc nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động ở Malaysia, nhưng lại để mất họ vào tay các đối thủ khác trong khu vực khi họ có đủ kỹ năng.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim hồi tháng 9 cho biết, chính phủ nước này đang nỗ lực để thu hút những người Malaysia có tay nghề cao quay trở lại và đóng góp cho đất nước.