Những con số giật mình
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 5 (TP. HCM) đã khởi tố và tạm giam Phan Thị Thu Trang (34 tuổi) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định Trang đã lợi dụng tuyên truyền mê tín dị đoan của để thực hiện hành vi lừa đảo.
Theo thông tin điều tra, Trang đã tạo ra nhiều trang mạng cá nhân trên Facebook và TikTok với tên như “Phan Thu Trang” và “Phong Thủy Tâm Linh - Phan Thu Trang”. Trên các tài khoản mạng xã hội này, "cô đồng" Phan Thị Thu Trang đã đăng tải nhiều clip liên quan đến phong thủy, bán vật phẩm phong thủy, đồng thời lồng ghép nội dung tâm linh và mê tín để thu hút người xem.
Nhiều người nhẹ dạ cả tin đã đặt lịch để đến gặp “cô đồng” này để xem bói và mua vật phẩm phong thủy. Khi khách hàng tìm đến, Trang đã bịa đặt các câu chuyện tâm linh đầy màu sắc để thao túng tâm lý. Trang “phán” khách hàng bị người khác hãm hại, có người âm theo phá hoại, vợ chồng không hợp mạng và cảnh báo rằng gia đình sắp có chuyện buồn như có người chết hay bệnh tật.
Những người tâm lý yếu và tin vào chuyện tâm linh dần dần sập bẫy lừa của "cô đồng". Trang hứa giúp họ làm lễ cúng giải bùa, rồi yêu cầu khách hàng chuyển tiền. Tuy nhiên, sau khi chiếm đoạt số tiền, Trang lại tránh né liên lạc.
Đến nay, Công an quận 5 xác định có 40 nạn nhân của "cô đồng" Phan Thị Thu Trang, với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên tới hơn 28 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan công nhân nhận định, nạn nhân thực tế có thể nhiều hơn nên đang tiến hành mở rộng điều tra để tìm thêm bị hại.
Một trong những nạn nhân điển hình là bà M. (ngụ quận 5), đã bị "cô đồng" Trang chiếm đoạt 767 triệu đồng. Bà M. cho biết, quá trình xem bói, Trang nói con của bà có người âm theo phá hoại, nhà bị yểm bùa và gia đình sẽ gặp nhiều chuyện không vui như có người chết hay bệnh tật. Trước sự hoang mang của bà M., Trang hứa sẽ giúp cúng giải bùa. Sau đó, Trang liên tục hối thúc bà M. Nhận được tiền, "cô đồng" này đã cắt liên lạc với bà M.
Tương tự, vào giữa tháng 9 vừa qua, "cô đồng" Trang cũng đã lừa bà H. (quận 5) để chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng. Bằng cách thao túng tâm lý tương tự, Trang yêu cầu bà H. chuyển tiền nhiều lần để làm lễ cúng giải hạn và trục vong, với hứa hẹn sẽ hoàn lại tiền sau khi cúng xong. Tuy nhiên, khi bà H. chuyển tiền, Trang lại im lặng và chiếm đoạt luôn số tiền này.
Thực tế, Bộ Công an đã đưa ra cảnh báo lừa đảo "dịch vụ tâm linh" online. Theo đó, thủ đoạn lừa đảo qua hình thức "dịch vụ tâm linh" của các đối tượng thường như xem bói, tử vi, giải hạn, cầu tài lộc và bán "lá bùa" cầu may ngày càng phổ biến. Một số tài khoản tự xưng là "thầy," "cậu," "cô" và tuyên bố có khả năng đặc biệt, có thể luận giải mọi vận hạn qua đường chỉ tay và tướng mạo.
Đáng chú ý, các "dịch vụ tâm linh" này còn lợi dụng thông qua mua bán bùa chú, vật phẩm tâm linh mang màu sắc mê tín dị đoan để đánh cắp thông tin cá nhân. Đã có nhiều người sa vào bẫy của các đối tượng này với mong muốn cầu bình an, giải hạn và tránh xui rủi.
Như ngày 18/7/2023, Công an huyện Lý Nhân (Hà Nam) đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 8 đối tượng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trước đó, chị L. (huyện Lý Nhân) đã tố cáo việc bị một người tự xưng là “Thầy Thế” lừa đảo giải hạn, cầu tài lộc để chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, đối tượng đã chặn mọi liên lạc với chị. Tại cơ quan công an, nhóm đối tượng khai nhận từ tháng 5 đến tháng 6/2023, nhóm này đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 2,5 tỷ đồng.
Công an khuyến cáo, người dân khi sử dụng mạng xã hội cần cảnh giác với các hội nhóm liên quan đến mê tín dị đoan và cẩn thận trước những chiêu trò lợi dụng tâm linh để lừa đảo. Nếu phát hiện các hành vi lợi dụng tâm linh nhằm mục đích lừa đảo, người dân nên báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ và ngăn ngừa kịp thời.
Có thể lấy lại tiền đã bị lừa không?
Liên quan đến vụ “cô đồng” Phan Thị Thu Trang, trao đổi trên Báo Dân trí, luật sư Ngô Quí Linh - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, theo quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), với số tiền chiếm đoạt lên đến 28 tỷ đồng, bị can Phan Thị Thu Trang có thể bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài hình phạt tù, theo khoản 5 Điều 174 Bộ luật Hình sự, bị can này còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc thực hiện công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Các hình phạt này sẽ được tòa án quyết định tại phiên xét xử.
Luật sư Ngô Quí Linh cho biết thêm, theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 47 Bộ Luật Hình sự, số tiền mà bị can Phan Thị Thu Trang đã chiếm đoạt không thuộc trường hợp bị tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy và sẽ được trả lại cho bị hại.
Tuy nhiên, khả năng hoàn trả toàn bộ số tiền này cho nạn nhân còn phụ thuộc vào việc cơ quan chức năng thu hồi được bao nhiêu và khả năng khắc phục hậu quả của bị can Trang.
Để được hoàn trả số tiền đã bị chiếm đoạt, các bị hại nên chủ động liên hệ với cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án để cung cấp chứng cứ chứng minh mình là nạn nhân (nếu có) và nêu rõ yêu cầu hoàn trả số tiền đã bị chiếm đoạt. Nạn nhân cần nêu rõ yêu cầu hoàn trả lại số tiền bị chiếm đoạt thì mới được tòa án xem xét trong quá trình xét xử và ra quyết định trong bản án.
Luật sư Trương Văn Tuấn - Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn cũng nhấn mạnh, để đòi lại tài sản bị chiếm đoạt, các nạn nhân cần liên hệ và phối hợp với cơ quan điều tra bằng cách trình báo và cung cấp đầy đủ chứng cứ, chứng từ liên quan đến việc chuyển tiền cho "cô đồng" Phan Thị Thu Trang.
Sau khi cơ quan điều tra xác định được số tiền chiếm đoạt, viện kiểm sát có thể sẽ truy tố và tòa án sẽ đưa ra xét xử, yêu cầu "cô đồng" hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt từ nạn nhân. Tuy nhiên, việc lấy lại toàn bộ tài sản hay không vẫn còn phụ thuộc vào quá trình tra soát, thu hồi và kê biên tài sản của cơ quan thi hành án sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.