"Nới" điều kiện với khoản vay dưới 100 triệu đồng: Khách hàng nói được giải ngân không dễ

Dù không phải chứng minh phương án sử dụng vốn nhưng các khoản vay tiêu dùng dưới 100 triệu đồng, vẫn phải cung cấp đầy đủ cho ngân hàng phương án trả nợ, nguồn thu nhập, đảm bảo công tác thu hồi nợ.

Thông tư 12/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/7, khách hàng vay vốn ngân hàng khoản vay dưới 100 triệu đồng không cần cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi. Theo nhận định của các chuyên gia, đây là những điểm mới nhằm thúc đẩy hơn quá trình thẩm định, giúp khách hàng tiếp cận vốn vay nhỏ nhanh chóng, thuận tiện, hạn chế tín dụng đen.

Ngân hàng vẫn phải đảm bảo thu hồi nợ

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, việc “nới” điều kiện khoản vay dưới 100 triệu đồng tại Thông tư 12 nhằm hướng đến mục tiêu tạo thuận lợi hơn cho người vay, tháo bỏ những quy định được xem là quá chặt chẽ trước đây, nhưng không có nghĩa là quy trình phê duyệt trở nên lỏng lẻo mà là để cho phù hợp với yêu cầu của thực tế, cũng như đẩy mạnh tài chính tiêu dùng.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam lý giải, khi triển khai Thông tư 12, các ngân hàng sẽ xây dựng quy trình, điều kiện, thủ tục để cung cấp những món vay nhỏ dưới 100 triệu đồng với tinh thần đảm bảo thuận lợi nhất.

vay-tieu-dung-1722591103.jpg
Một số khách hàng đã thử tìm hiểu và cho biết để vay được của ngân hàng là không hoàn toàn dễ dàng

Tuy nhiên, các ngân hàng cũng vẫn phải ưu tiên công tác thu hồi nợ, vì đây là tiền của người dân gửi vào ngân hàng nên không thể “dễ dãi” trong công tác giải ngân. Như vậy, dù không phải chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi nhưng khách hàng phải chứng minh được khả năng trả nợ gốc và tiền lãi gồm thu nhập, nguồn thu, mục đích sử dụng…Đồng thời, lãi suất của những khoản vay này sẽ ở mức cao bởi không có tài sản đảm bảo.

Đại diện một ngân hàng cổ phần cũng cho biết, ngay sau khi Thông tư 02 của NHNN có hiệu lực, ngân hàng đã triển khai các sản phẩm phù hợp, nhưng nguyên tắc “bất di bất dịch” của ngân hàng từ trước đến nay là cho vay phải đảm bảo khả năng thu hồi nợ, nên khách hàng vẫn phải chứng minh phương án hoàn trả.

Dựa trên thông tin khách hàng cung cấp, ngân hàng sẽ đánh giá khả năng trả nợ có tốt không mới quyết định giải ngân. Vị này cho biết thêm, cùng cho vay món vay nhỏ nhưng ngân hàng và công ty tài chính có những đối tượng khách hàng riêng, tiêu chuẩn của ngân hàng cũng sẽ cao hơn.

Anh Hồng Quang (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa tìm hiểu thủ tục tại một ngân hàng thương mại để vay 50 triệu đồng mua xe cho biết, không dễ được giải ngân. Dù có quy định mới, nhưng người vay vẫn phải cung cấp sao kê lương 6 tháng gần nhất, kèm hợp đồng lao động, hoặc quyết định tăng lương, bổ nhiệm mới nhất. Ngoài ra, phải cung cấp bản photo căn cước công dân, giấy đăng ký kết hôn và người đồng trả nợ là vợ gồm: họ tên, ngày tháng năm sinh, căn cước công dân, nơi làm việc...

Chấn chỉnh hoạt động thu hồi nợ

Thông tư 02 của NHNN ra đời trong bối cảnh, tín dụng tiêu dùng đã trải qua một năm 2023 đầy thử thách khi dư nợ chỉ tăng khoảng 11% so với năm trước. Đây là mức tăng khiêm tốn so với tỷ lệ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2010-2020 (33,7%).

Đà suy giảm này cũng tiếp tục duy trì trong những tháng đầu năm 2024 và tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng.

Trong khi đó, cho vay tiêu dùng hiện chiếm khoảng 20% tổng dư nợ toàn ngành, tương đương 2,8 triệu tỷ đồng. Trên thị trường, ngoài các công ty tài chính, các ngân hàng cũng đã tham gia mạnh mẽ vào mảng cho vay tiêu dùng để hỗ trợ người dân tiếp cận các khoản vay nhỏ.

doi-no-thue-1722591507.jpg
Thời gian qua, vay tiêu dùng bị “mất điểm” do một số công ty tài chính có những phương thức đòi nợ chưa phù hợp

Đơn cử chương trình cho vay tiêu dùng 5.000 tỷ đồng của Agribank đã giải ngân cho hơn 811.000 lượt khách hàng vay vốn, hiện chỉ còn hơn 83.000 khách hàng còn dư nợ; chương trình cho vay tiêu dùng trị giá 20.000 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngay cả Vietcombank, VietinBank vốn tập trung vào phân khúc cho vay doanh nghiệp cũng đã chuyển hướng sang vay tiêu dùng.

Thực tế, nguyên nhân việc dư nợ tín dụng tiêu dùng suy giảm trong hơn 1 năm qua, bên cạnh khó khăn chung từ yếu tố thu nhập của người dân, thì mảng kinh doanh này cũng bị “mất điểm” do một số công ty tài chính có những phương thức đòi nợ chưa phù hợp, cũng như lãi suất cho vay quá cao…

Vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã có hành lang pháp lý chấn chỉnh nếu không sẽ càng ngày càng đánh mất niềm tin của người dân, ảnh hưởng đến uy tín của các ngân hàng thương mại có sở hữu công ty tài chính.

Động thái “vừa nới lỏng, vừa quyết liệt” của NHNN nhằm thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, hiệu quả và bền vững là rất cần thiết, góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: Phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng vay tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”.