Cầu, hầm đường sắt qua đèo Hải Vân "rệu rã": Nguy cơ tai nạn chực chờ

Tuyến đường sắt 19,8km đi qua khu vực đèo Hải Vân (Đà Nẵng) với 6 hầm và 36 cầu đường sắt đã xuất hiện tình trạng xuống cấp, gỉ sét sau gần 100 năm sử dụng.

Tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân có chiều dài 19,8km với 36 cầu, trong đó có 8 cầu thép và 28 cầu bê tông/đá xây. Những đoạn đường có địa hình đặc biệt với đèo cao, vực sâu và các đoạn đường cong liên tiếp là một trong những đoạn xung yếu và điểm nghẽn trên toàn tuyến.

Tuyến đường được xây dựng từ thời kỳ Pháp thuộc, sau gần 100 năm sử dụng đã có tình trạng xuống cấp, nhiều nơi thấm dột, gỉ sét.

 Bên trong một hầm đường sắt trên đèo Hải Vân, nước từ trần hầm chảy xuống thành từng giọt, tạo thành những vũng nước lớn trên nền.

Hầm số 14 là hầm dài nhất trong số 6 hầm tại khu vực đèo Hải Vân, với chiều dài hơn 940 mét. Khi đoàn công tác Công ty CP đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng tiến hành kiểm tra, nhận thấy bên trong hầm xuống cấp nghiêm trọng, nước chảy từ nóc hầm xuống thành dòng, gây ra tình trạng gỉ sét cho các dầm thép, phụ kiện liên kết.

Càng đi sâu về phía Bắc hầm số 14, tiếng nước thấm qua tường hầm nghe càng rõ. Nhiều đoạn đường ray qua đèo Hải Vân bị cong vênh, xô lệch do nền đất sụt lún.

Ông Hoàng Anh Dũng - Phó giám đốc Công ty CP đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng chia sẻ, nguyên nhân rỉ nước do hầm đã xây dựng và sử dụng trong thời gian dài, mạch vữa phong hóa và thấm dột. Các khoang số 10, 11, 85, 86, 90 và 93 nước chảy thành dòng.

Các cầu thép được cấu tạo từ dầm ghép, được đưa vào sử dụng từ trước năm 1975. Hiện tại các dầm thép đã bị hoen gỉ, gối cầu gập ghềnh vì bị phong hóa. Các cầu bê tông cũng xảy ra tình trạng tương tự do tác động của môi trường và thời gian.

Vỏ hầm thấm dột cũng khiến các phụ kiện bên trong gỉ sét nhanh. Nền tường trong hầm thiếu độ dày nền đá, hệ thống thoát nước không còn thực hiện tốt chức năng.

Có nhiều hầm đã được sửa chữa, nâng cấp theo từng hạng mục. Năm 2021, hầm số 14 đã được tu sửa kết cấu đường sắt trong hầm và rãnh thoát nước với vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng. Riêng phần vỏ hầm và kết cấu vẫn để nguyên kể từ thời Pháp.

Được biết, trong quá trình thực hiện nâng cấp đường sắt Bắc - Nam với nguồn vốn 7 tỷ đồng (2016 - 2020) và giai đoạn 2021 - 2025, tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân vẫn không được ưu tiên đầu tư. Để nâng cao an toàn, Công ty CP Đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng đã đề nghị Bộ GTVT, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xem xét, ưu tiên đầu tư kinh phí để thay ray, tà vẹt mới; cải tạo nền đá, các hệ thống thoát nước; tu sửa và nâng cấp các hầm xuống cấp nghiêm trọng.

Việc thiếu đầu tư cho việc cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt; bảo dưỡng, thay thế các thiết bị cũ kỹ khiến cho công tác khai thác vận tải đường sắt trên đèo Hải Vân gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra sự cố.

(Hoàng Ngân, tổng hợp từ Thanhnien.vn, baogiaothong.vn)