Đằng sau câu chuyện nhiều doanh nghiệp "lỡ hẹn" cổ phần hóa

Giai đoạn 2022-2023 có 19 doanh nghiệp được phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa, nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào cán đích mục tiêu. Có nhiều nguyên nhân gây ra sự chậm trễ này như xử lý các tồn tại về tài chính, tài sản, sắp xếp nhà đất,...

19/19 doanh nghiệp chưa cán đích mục tiêu

Theo Kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn 2022-2025 cả nước phải thực hiện cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, sắp xếp lại 5 doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua một nửa chặng đường của giai đoạn này (2022-2023) chưa có bất cứ doanh nghiệp nào cán đích được mục tiêu này. Đến nay mới có 5 doanh nghiệp đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc; 14 doanh nghiệp vẫn đang triển khai các bước chuẩn bị thực hiện.

Đối với 5 doanh nghiệp được phê duyệt sắp xếp lại có 3 doanh nghiệp đã hoàn thành việc sáp nhập, 2 doanh nghiệp đang triển khai phương án sắp xếp lại (1 doanh nghiệp giải thể, 1 doanh nghiệp sáp nhập).

co-phan-hoa-1718878236.jpg
Có nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chậm trễ cổ phần hóa như xử lý các tồn tại về tài chính, tài sản, sắp xếp nhà đất

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp gặp một số vướng mắc, hạn chế. Trong đó có nguyên nhân đến từ việc các địa phương chậm phê duyệt phương án sử dụng đất, nhất là với doanh nghiệp có đất tại nhiều địa phương. Có tình trạng một số bộ, địa phương chưa tích cực trong triển khai thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp trực thuộc quản lý.

Thực tế với các doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa cũng gặp vướng mắc với nhiều lý do khác nhau. Điển hình như Công ty TNHH MTV Ứng dụng và phát triển công nghệ NEAD (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) gặp vướng mắc về xác định phương án sử dụng đất. Hay Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long (thuộc Bộ NN&PTNT) đang thống nhất phương án sắp xếp cơ sở nhà đất.

Trường hợp đặc biệt, có một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nợ bảo hiểm xã hội, âm vốn chủ sở hữu, không vay được vốn, không mời được đơn vị tư vấn như Công ty TNHH MTV Thiết bị giáo dục nghề nghiệp (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) và Công ty TNHH MTV XNK Nông sản thực phẩm Agrexport (thuộc Bộ NN&PTNT).

Tình hình thoái vốn có phần khởi sắc hơn, nhưng trong số 17/53 doanh nghiệp hoàn thành vẫn còn tới 6 doanh nghiệp không đạt tỷ lệ được phê duyệt. Một số trường hợp không có nhà đầu tư đăng ký mua, tổ chức đấu giá nhiều lần nhưng không thành công.

Với 36 doanh nghiệp chưa hoàn thành thoái vốn đang gặp một số khó khăn liên quan đến đất đai như Công ty CP Quản lý đường thủy Quảng Ninh, Công ty CP Cầu phà Quảng Ninh, Công ty CP xử lý chất thải Phú Thọ,… Hoặc vướng mắc trong xác định giá khởi điểm tại Tổng Công ty Viglacera, Công ty liên doanh hữu hạn Hải Thành, Công ty CP Đường Bộ I, Công ty CP Dịch vụ Môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu.

Và câu chuyện phía sau

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cổ phần hóa là bức tranh nhiều màu sắc, sắc thái. Không nên chỉ xét về giai đoạn mà phải nhìn rộng hơn bức tranh với nhiều màu sắc tương phản, có doanh nghiệp làm tốt nhưng cũng có một số doanh nghiệp không như mong muốn để thấy rằng câu chuyện cổ phần hoá rất khó.

Thực tế, câu chuyện “lỡ hẹn” cổ phần hóa không mới mà đã diễn ra nhiều năm nay. Trước đó, năm 2022, cả nước chỉ cổ phần hóa được 1 doanh nghiệp. Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân thất bại ngoài tâm lý sợ sai của cán bộ thực hiện, quy định liên quan đến cổ phần hóa chưa được “luật hóa” cũng gây khó cho quá trình thực hiện.

phan-duc-hieu-1718878595.jpg
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cổ phần hoá là bức tranh nhiều màu sắc, sắc thái

Trong một báo cáo trước đó, VCCI cho biết, nhiều nhà đầu tư phản ánh rất ngần ngại khi mua cổ phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp. Bởi việc mua vốn nhà nước tiềm ẩn rủi ro pháp lý lớn.

Theo VCCI, nhiều trường hợp nhà đầu tư mua lại phần vốn qua đấu giá thành công xong phát hiện sai sót từ nội nội bộ bên bán đã đề nghị hủy giao dịch, trả lại tài sản. Điều này khiến nhà đầu tư không muốn tham gia dù có khả năng quản trị doanh nghiệp tốt hơn, mang lại hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, không phải vì khó khăn mà dừng lại, vấn đề là phải khắc phục vùng tối và nhìn rộng ra mục tiêu cổ phần hoá là có những việc Nhà nước không làm mà nhường cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân.

Gợi ý giải pháp để cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp không “lỡ hẹn”, Chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh cho biết, một trong những giải pháp thúc đẩy cổ phần hoá là gắn trách nhiệm của người đứng đầu liên quan tới cổ phần hóa, đặc biệt là đại diện chủ sở hữu, các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Nếu chưa tháo bỏ được cái tiêu cực liên quan đến đất đai trong cổ phần hoá thì không ai nhận trách nhiệm và cũng chẳng ai chịu làm, như thế cổ phần hoá sẽ tiếp tục chậm.