Chậm làm dự án sẽ bị thu hồi đất mà không bồi hoàn: Hết thời dự án treo?

Luật mới quy định, dự án chậm triển khai 48 tháng sẽ bị thu hồi được cho là biện pháp mạnh tay sẽ xóa bỏ được tình trạng toàn dự án quây tôn, để cỏ mọc um tùm. Nhưng ở góc độ doanh nghiệp, nhiều người lo ngại dự án “chết oan” nếu không được hướng dẫn rõ.

Ngày 29/5 Quốc hội có phiên thảo luận về kinh tế xã hội và đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó có nội dung, lãng phí tài nguyên đất tại hàng loạt dự án bỏ hoang, đắp chiếu hàng chục năm đã gây lãng phí nguồn lực đất đai, trong khi người dân không có nhà để ở, không có mặt bằng sạch để kinh doanh.

Tới đây, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản dự kiến sẽ có hiệu lực sớm từ 1/8 được cho là sẽ “cởi trói” cho doanh nghiệp trong công tác tiếp cận tài nguyên đất đai, tăng nguồn cung nhà ở, song cũng siết lại trách nhiệm của doanh nghiệp nếu được giao đất nhưng không triển khai dự án.

du-an-bo-khong-1717921884.png

Nhiều dự án bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên đất

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, trước đây, do những quy định về việc chậm thực hiện dự án quá “mù mờ” nên dẫn đến tình trạng dự án bỏ hoang ở khắp nơi. Do vậy, các quy định mới sẽ khắc phục được tồn tại này.

Cụ thể, đất để thực hiện dự án đầu tư không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao trên thực địa hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ, chủ đầu tư được gia hạn sử dụng không quá 24 tháng. Nếu đến hết thời hạn này, chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng (trừ trường hợp thiên tai, bất khả kháng…), Nhà nước sẽ thu hồi mà không bồi hoàn.

Ông Hiếu đánh giá quy định này là khả thi và doanh nghiệp phải dự phòng rủi ro bị thu hồi đất. Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, đây là một chế tài rất mạnh nhằm hạn chế tình trạng bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất đai của doanh nghiệp.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa – Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM nêu quan điểm, Luật Nhà ở có hiệu lực sắp tới sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc của các dự án nhà ở xã hội. Theo quy định, doanh nghiệp không cần phải chờ cơ quan chức năng xác định giá đất thì mới được miễn giảm tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp được miễn, giảm ngay từ đầu, giúp rút ngắn được thời gian làm dự án.

Bên cạnh mặt thuận lợi, quy định nếu trong 48 tháng doanh nghiệp chưa triển khai dự án sẽ bị thu hồi đất mà không bồi thường là chuyện “rất kinh hoàng”. Bởi trong thực tế có nhiều dự án chậm triển khai mà nguyên nhân lại đến từ thủ tục liên quan đến cơ quan chức năng. 

le-huu-nghia-1717921976.jpg

Ông Lê Hữu Nghĩa – Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM

Cũng theo ông Nghĩa, doanh nghiệp khi được chấp nhận đầu tư, dự kiến dự án triển khai 3 năm, nhưng thủ tục chạy lòng vòng, có khi xin xong giấy phép cũng mất đến 5 năm. Vì vậy, nếu Nghị định hướng dẫn luật không bổ sung, làm rõ sẽ có nhiều doanh nghiệp “chết oan”.

Thực tế, chỉ tính riêng tại Hà Nội, có rất nhiều khu đất trống bỏ không cả chục năm nhưng vẫn chưa hề có tín hiệu khởi động. Đơn cử như 3 lô đất tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông của Công ty TSQ Việt Nam, hiện đang là nơi xả rác, tập kết vật liệu gây ô nhiễm môi trường, nơi trông giữ phương tiện ngày đêm.

Gần khu đất của TSQ Việt Nam cũng là 4 lô đất của “siêu dự án” Booyoung Vina, được khởi công từ tháng 2/2007, dự kiến hoàn thành đi vào sử dụng năm 2010 nhưng kể từ năm 20211 đến nay, dự án vẫn giữ nguyên trạng thái “bất động”.

Hay như, 2 lô đất có tổng diện tích hơn 11.000 m2 của Tập đoàn Hà Đô và Tập đoàn GFS (nằm đối diện Công viên Cầu Giấy) sua gần 20 năm vẫn đang là một bãi đất trống được quây tôn kín mít.

khu-dat-tsq-1717922186.jpg

3 lô đất tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông của Công ty TSQ Việt Nam là một trong những điển hình của việc bỏ hoang đất nhiều năm 

Dự án Trung tâm Thương mại - Văn phòng Xuân La có diện tích khoảng 2.065m2 nằm ngay mặt đường Xuân La, Tây Hồ, điểm được coi là “đất vàng” của quận Tây Hồ cũng là một trường hợp điển hình của việc bỏ hoang đất trống hàng chục năm.

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch câu lạc bộ bất động sản Hà Nội, việc xử lý những dự án chậm triển khai, bỏ hoang không phải là vấn đề đơn giản. Bởi để chấm dứt hoạt động của dự án cần phải đối chiếu sai phạm, phù hợp với quy định pháp luật để có cơ sở thu hồi.

Luật Đất đai từ 1993, 2003, 2013 đều quy định nếu dự án quá 12 tháng không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít. Bởi doanh nghiệp đã bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng, mất rất nhiều chi phí, nếu buộc thu hồi thì phải hoàn trả những chi phí đó, khiến Nhà nước không những không có lợi mà còn “thiệt đơn, thiệt kép”.