Chợ online sôi động, chợ truyền thống ế ẩm

Thời đại số phát triển, người trẻ ngày nay chọn mua sắm trên các chợ mạng vừa tiện lợi vừa tiết kiệm thời gian. Từ đó dẫn đến các chợ truyền thống trở nên đìu hiu, thưa thớt.

Chợ truyền thống đã tồn tại hàng nghìn năm nay. Với người Việt, nó không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Thế nhưng hiện nay, chợ truyền thống trên cả nước đang dần mất đi sức hút khi ngày càng ít người tới mua sắm. Nguyên nhân là do đâu khi nhu cầu mua sắm của người dân vẫn ngày một nhiều?

cho-truyen-thong-1718540409.jpg
Chợ truyền thống ngày càng vắng vẻ

Điển hình như tại Hà Nội, hiện có khoảng 540 chợ truyền thống, đảm nhận khoảng hơn 50% nhu cầu mua sắm ở các quận nội thành và 70% nhu cầu tại khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, nhiều chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đã xuống cấp, không bảo đảm quy chuẩn xây dựng, quy chuẩn phòng cháy chữa cháy, không đáp ứng tiêu chí đô thị.

Thậm chí, nhiều chợ lụp xụp, nhếch nhác, không đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh. Đây cũng là một trong những lý do khiến sức hút của chợ truyền thống ngày càng giảm sút với người tiêu dùng.

Chợ Cầu Giấy từng nhộn nhịp, sầm uất với hơn 200 hộ buôn bán kín cả 2 tầng. Nhưng bây giờ, chợ chỉ còn gần 30 hộ buôn bán ở tầng 1. Toàn bộ tầng 2 bị bỏ trống. Hàng hóa dễ cháy tại chợ được bày bán dưới những gian hàng lụp xụp. Chợ xuống cấp, hàng hóa lèo tèo nên nhiều tiểu thương buộc phải rời đi nơi khác mưu sinh.

Cùng ở quận Cầu Giấy, chợ Nhà Xanh từ một khu chợ hoạt động sầm uất cho sinh viên, hiện tại cũng chỉ còn lác đác vài sinh viên đến mua sắm. Chị Thảo - bán hàng mỹ phẩm tại đây chia sẻ, chợ ngày càng vắng nên hàng hóa bán ế lắm. Chị cũng có bán trên sàn thương mại điện tử Shopee, cũng tập tành livestream nhưng không hiệu quả. Các bạn trẻ năng động, livestream chốt đơn ầm ầm. Chị không biết cách nói chuyện nên lúc bán được lúc không.

Còn tại chợ Kim Liên (quận Đống Đa) có đến 199 điểm kinh doanh trong khuôn viên rộng khoảng hơn 1.000m2. Sau hàng chục năm hoạt động, khu chợ này đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo các tiêu chí an toàn, vệ sinh của một khu chợ.

Bà Yên - bán hàng quần áo tại chợ Kim Liên tâm sự, hàng hóa ế ẩm, có hôm cả ngày không bán được gì. Sáng ra, bà đến mở cửa, rồi cùng các bạn hàng chỉ biết tập thể dục, đợi khách. Hàng hóa giảm giá 50%, có cái 70% mong bán được để lấy vốn mà vẫn vắng người mua. Bà bảo, quần áo bây giờ thanh niên toàn livestream nhưng bà không biết làm.

Theo nhiều chuyên gia tài chính nhận định, từ khi sàn thương mại điện tử lên ngôi, các chợ truyền thống trở nên đìu hiu, thưa thớt. Bên cạnh chợ truyền thống, vài năm gần đây, nhiều hình thức kinh doanh mới đã xuất hiện như thương mại điện tử, siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Điều này đã tạo ra thách thức không nhỏ với các chợ truyền thống, những nơi từng là trung tâm mua sắm chính của người dân.

Thời đại số phát triển, người trẻ ngày nay chọn mua sắm trên các chợ mạng vừa tiện lợi vừa tiết kiệm thời gian. Nhiều người cho biết, từ sáng sớm đã ra khỏi nhà đi làm, đến 6h chiều mới tan ca, họ không có thời gian để tới các chợ truyền thống. Trong khi chỉ cần đặt hàng qua mạng, thì sẽ có người giao đến tận nhà.

Có người cũng cho rằng, thương mại điện tử giúp cạnh tranh giá thành hơn khi cùng một sản phẩm người mua có thể chủ động tìm hiểu giá cả, rồi chọn mua giá phù hợp nhất.

Trong bối cảnh hiện nay, cuộc cạnh tranh giữa chợ truyền thống với các hình thức mới là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, với người tiêu dùng Việt Nam, chợ truyền thống vẫn là một nét văn hóa đặc trưng, sẽ có những lợi thế riêng biệt mà các hình thức kinh doanh mới khó có thể thay thế được.

cho-truyen-thong-1-1718540409.jpg
Chợ truyền thống vẫn có những lợi thế mà thương mại điện tử không thể có được

Chị Nguyễn Trà My (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, chợ truyền thống vẫn luôn là lựa chọn số 1 của chị. Không chỉ thực phẩm, quần áo rồi đồ gia dụng, chị cũng thường xuyên mua ở chợ. Chị bảo, đây đã thành thói quen của bản thân. Thêm nữa, chị quen mối thì mặc cả, cũng được giá tốt hơn ở trong siêu thị.

Còn chị Nguyễn Thu Thảo cho hay, chợ truyền thống cũng có những ưu điểm như được xem, sờ thực tế sản phẩm để đánh giá được chất lượng sản phẩm đó như thế nào.

Để duy trì có lợi thế của mình, các chợ truyền thống cần phải cải thiện hạ tầng, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và dịch vụ khách hàng. Ngoài ra, việc kết hợp với các công nghệ số như thanh toán online, app đặt hàng… cũng sẽ giúp chợ truyền thống trở nên hiện đại hơn và cạnh tranh tốt hơn với các hình thức bán lẻ mới. Đây là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để chợ truyền thống thích ứng và phát triển bền vững trong tương lai.

Bà Trần Thu Hà - chuyên gia phân tích thị trường thuộc Công ty Nghiên cứu thị trường CI Research Việt Nam nhận định, chợ truyền thống cần tập trung vào các sản phẩm địa phương, hàng tươi sống, đồ thủ công mỹ nghệ… để tạo nên điểm nhấn riêng biệt.

Bên cạnh đó, các chợ cũng nên tổ chức các sự kiện, hoạt động trải nghiệm để thu hút khách hàng, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ. Các chợ cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ số để cải thiện trải nghiệm mua sắm và thu hút khách hàng.