Chống gian lận thuế, tối ưu công tác quản lý bằng AI

Theo Tổng cục thuế, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến mới, bao gồm công nghệ AI đang tối ưu công tác quản lý thuế, chống gian lận, quản lý thuế theo rủi ro...

Theo thống kê từ Tổng cục Thuế, hiện nay Việt Nam đang có gần 1 triệu doanh nghiệp,  hơn 3 triệu hộ kinh doanh (trong đó có khoảng 1,9 triệu hộ thuộc diện phải nộp thuế) và 27 triệu cá nhân có thu thập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN), trong đó có khoảng 7 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện phải nộp thuế.

Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cùng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, thời gian tới, số lượng doanh nghiệp, tổ chức cá nhân kinh doanh tại Việt Nam phải nộp thuế sẽ tăng rất nhanh. Tuy nhiên, số lượng cán bộ thuế lại bị hạn chế. Vì vậy, việc áp dụng quản lý thuế theo rủi ro và sử dụng các công cụ công nghệ đang được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều đột phá cho lĩnh vực.

thue-1-1746-1715589719.jpg
Việc áp dụng AI sẽ hỗ trợ tối ưu hiệu quả công tác quản lý thuế trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội thảo Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số diễn ra tại Hà Nội sáng 13/5, ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong những năm qua, ngành thuế đã chú trọng quản lý rủi ro (QLRR) tuân thủ pháp luật thuế, bao gồm thu thập, xử lý dữ liệu bên trong và từ các cơ quan, tổ chức bên ngoài. Tổng cục đã xây dựng các Bộ chỉ số tiêu chí (CSTC), quy trình và ứng dụng về phân tích, nhận diện rủi ro người nộp thuế; phân loại hồ sơ hoàn thuế Giá trị gia tăng (VAT) và kiểm tra sau hoàn; giám sát chặt chẽ việc sử dụng hóa đơn của người nộp thuế.

Để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số, ngành Thuế đã tổ chức triển khai hiệu quả công tác thu thập, phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử nói riêng, dữ liệu quản lý thuế nói chung; tổ chức thu thập dữ liệu từ các cơ quan, tổ chức bên ngoài ngành Thuế. Thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu đối soát dữ liệu lớn với hóa đơn điện tử, xây dựng chức năng cảnh báo ngưỡng chặn xuất hoá đơn và bước đầu nghiên cứu, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích dữ liệu để phát hiện rủi ro giá bất thường, chuỗi mua bán hóa đơn, gian lận hoàn thuế GTGT, phân tích chuỗi mua bán hóa đơn theo từng mặt hàng rủi ro hoặc theo chuỗi quan hệ mua bán của các doanh nghiệp trong nền kinh tế giúp tìm các chuỗi nghi ngờ (mua bán lòng vòng, chỉ mua không bán, chỉ bán không mua, xuất khống hóa đơn,...

dth-8857-1715589851.JPG
Toàn cảnh hội thảo Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số diễn ra ngày 13/5 tại Hà Nội.

Hiện, dữ liệu về ngành thuế được chuyển từ các địa phương về tập trung ở Tổng cục Thuế. Việc đồng bộ dữ liệu bao gồm dữ liệu về đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, thông tin về các hồ sơ khai thuế, nộp thuế, nợ thuế, miễn giảm thuế, gia hạn nộp thuế, hoàn thuế, đăng ký, quản lý sử dụng hóa đơn điện tử được thực hiện thường xuyên và liên tục.

Ngành thuế cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan tổ chức bên ngoài như Tổng cục Hải quan, Kho Bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán, ngân hàng thương mại và các cơ quan khác để thực hiện thu thập, trao đổi thông tin phục vụ phân tích rủi ro, đánh giá lịch sử tuân thủ của người nộp thuế.

Theo Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, thông qua việc phân tích rủi ro, cơ quan thuế sẽ phân loại mức độ tuân thủ người nộp thuế từ đó sẽ có biện pháp xử lý phù hợp. Việc triển khai hóa đơn điện tử sẽ góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp và phương thức quản lý của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng; đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

Để quản lý rủi ro trong quản lý thuế hiệu quả, đại diện Tổng cục Thuế đề xuất cần hoàn thiện môi trường hệ thống trung tâm phân tích dữ liệu gồm tổ chức hệ thống phân tích dữ liệu theo thời gian thực, bố trí các máy chủ đảm bảo lưu trữ các dữ liệu cần cho phân tích rủi ro; triển khai các phần mềm hệ thống cho cơ sở dữ liệu lớn, phần mềm hệ thống thao tác cơ sở dữ liệu, phần mềm hệ thống hỗ trợ chạy phân tích dữ liệu.