Chống thao túng ngân hàng: Không chỉ trông chờ một mình Luật Các tổ chức tín dụng

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, với các quy định mới ở Luật Các tổ chức tín dụng 2024, việc giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông sẽ hạn chế phần nào việc sở hữu chéo, tuy nhiên không thể xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng này.

Chủ Tịch nước vừa công bố Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Luật bổ sung các quy định để bảo đảm quyền của cổ đông thiểu số; luật hóa và bổ sung tại luật một số quy định về vốn và sử dụng vốn của TCTD; sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện người quản lý, điều hành; nâng cao tính độc lập, vai trò của thành viên hội đồng quản trị độc lập; tăng cường trách nhiệm của ban kiểm soát TCTD; thay đổi về cách tiếp cận đối với can thiệp sớm TCTD phù hợp với thông lệ quốc tế…

Đáng chú ý, luật này giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức, của nhóm cổ đông và người có liên quan; quy định lộ trình 5 năm giảm dần giới hạn cấp tín dụng; sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm người có liên quan…

Theo các chuyên gia, việc thông qua Luật Các tổ chức tín dụng 2024 kỳ vọng sẽ minh bạch hoạt động ngân hàng, hạn chế việc lạm dụng, thao túng hoạt động của các TCTD từ cổ đông lớn và nhóm cổ đông lớn…

Phóng viên Đô Thị Mới đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM xoay quanh vấn đề này.

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định tỷ lệ sở hữu của một cổ đông giảm từ 15% xuống còn 10% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; tỷ lệ sở hữu của cổ đông và người liên quan giảm từ 20% xuống còn 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Xin ông cho biết đánh giá của mình về quy định này?

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân: Với các quy định mới ở Luật Các tổ chức tín dụng 2024, việc giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông sẽ hạn chế phần nào việc sở hữu chéo nhưng không thể xóa bỏ hoàn toàn việc này.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH)

Bởi trong thực tế, các cổ đông lớn này có thể nhờ người khác đứng tên giúp như trong vụ ngân hàng SCB. Thực tế, việc nhờ người đứng tên thực ra không hề khó.

Để đảm bảo quyền lợi cổ đông thì quy định này có thể đưa ra một mức lộ trình thích hợp để giảm tỷ lệ từ từ xuống theo quy định, có thể là 5 năm. Bởi nếu có hiệu lực ngay thì sẽ rất khó để các cổ đông có thể thoái vốn ngay lập tức được, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán hiện tại.

Bên cạnh việc giảm tỷ lệ sở hữu, một quy định cũng rất đáng chú ý ở Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng yêu cầu các cổ đông sở hữu từ 1% vốn trở lên phải công bố thông tin. Theo ông, việc công bố những thông tin này tác động thế nào tới mục tiêu hạn chế sở hữu chéo?

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân: Việc công bố thông tin sẽ giúp cho chúng ta xác định được tốt hơn nhóm đối tượng sở hữu chéo khi họ có hành động bởi chỉ cần sở hữu 1% cổ phần thì cũng phải công bố thông tin. Khi đó, nếu như các nhóm này đồng loạt mua hoặc bán cổ phần thì chúng ta có thể theo dõi được.

Tuy nhiên, điều này cũng sẽ có một phiền phức là tính trạng thông tin công bố quá nhiều, có thể gây nhiễu trong việc tiếp cận thông tin của các bên liên quan cũng như nhà đầu tư.

Kỳ vọng Luật Tổ chức tín dụng ngăn được sở hữu chéo, thao túng ngân hàng

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định giảm tỷ lệ giới hạn tín dụng đối với một khách hàng từ 15% xuống còn 10% vốn tự có của ngân hàng theo lộ trình tới năm 2029.  Ông đánh giá thế nào về lộ trình giảm giới hạn cấp tín dụng nói trên?

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân: Điều này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của ngân hàng, nhất là các ngân hàng đang có dư nợ lớn với nhóm khách hàng này và buộc các ngân hàng phải giảm dần tỷ lệ theo quy định. Ngoài ra, điều này cũng buộc các ngân hàng phải tìm kiếm các khách hàng khác nhằm giảm thiểu rủi ro tập trung.

Tuy nhiên, việc này cũng góp phần làm giảm rủi ro sở hữu chéo cũng như tăng tính an toàn cho hệ thống hơn và theo tôi là cần thiết. Nhưng vẫn sẽ có cách để các ngân hàng lách quy định này trong thực tế, bởi đơn giản chỉ cần lập ra nhiều công ty hơn để vay vốn, tương tự như trường hợp của SCB là có thể lách được quy định này.

Đương nhiên nó cũng sẽ làm cho chi phí sở hữu chéo cao hơn và quy trình phức tạp hơn, nhìn chung có thể hạn chế hơn động cơ sở hữu chéo so với trước đây nhưng không thể triệt tiêu hoàn toàn.

Theo ông, với những quy định mới nhằm ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng tại Luật Các tổ chức tín dụng, liệu còn khe hở nào để lách luật không? Ông có thể chia sẻ những đề xuất/kiến nghị tới cơ quan quản lý trong việc thực thi, giám sát các quy định của luật?

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi, các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có thể định hướng và hạn chế việc sở hữu chéo, nhưng để loại bỏ hoàn toàn hiện tượng này thì rất khó. Lý do là tình hình và diễn biến của sở hữu chéo rất tinh vi và phức tạp, một ví dụ điển hình là vụ việc tại ngân hàng SCB vừa qua.

Vụ việc tại Ngân hàng SCB là điển hình của thao túng ngân hàng thời gian qua

Theo đó, để hạn chế sở hữu chéo, vấn đề quan trọng nhất là phải nâng cao năng lực, khả năng thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, của cơ quan thực thi pháp luật, đồng thời kết hợp nhiều giải pháp khác.

Theo đó, cần tránh vụ việc thông đồng giữa các cán bộ thực thi và giám sát của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại, dẫn đến không phát hiện sớm các sai phạm, dẫn đến hậu quả nặng nền cho nền kinh tế.

Ngoài ra, cần áp dụng các công nghệ tiên tiến hiện tại như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain... để có thể liên thông dữ liệu của ngân hàng thương mại với Ngân hàng Nhà nước; hoặc phát hiện, cảnh báo về các giao dịch đáng ngờ. Từ đó giúp cho việc phát hiện các sai phạm được diễn ra nhanh hơn và tự động hóa, loại bỏ yếu tố con người, giúp việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước được hiệu quả hơn và hạn chế các tình trạng thông đồng, hối lộ để che mắt các sai phạm như trước đây.

Hoài Phong thực hiện

Xin cảm ơn ông!