Chùa Phúc Khánh (còn gọi Tổ đình Phúc Khánh) là ngôi chùa cổ, nằm trên đường Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội). Chùa Phúc Khánh được xây dựng từ thời Hậu Lê. Nhiều năm nay, cứ dịp ra Tết lại có rất đông người dân cùng phật tử về đây cầu an, dâng sao giải hạn.
Năm nay, chùa Phúc Khánh thông báo, các khóa lễ cầu bình an được cử hành từ 19h từ mùng 6 đến 15 tháng Giêng. Khi đăng ký khóa lễ, người dân sẽ biết được thông tin ngày đến dự lễ từ phiếu đăng ký, còn sớ của người dân đã được nhà chùa dâng lên Tam Bảo.
Từ khi chùa mở các khóa lễ cầu bình an và dâng sao giải hạn trong năm nay, đã có hàng trăm người tới tham dự. Như ngày mùng 8 tháng Giêng, hàng trăm người đã tới chùa làm lễ. Do có quá đông, người dân ngồi tràn cả ra đường. Năm nay, để tránh lộn xộn trong quá trình làm lễ, nhà chùa còn đóng cửa trong suất quá trình này. Nhiều người đến muộn hoặc không chen được vào chùa đã phải bái vọng từ ngoài.
Người dân có nhu cầu muốn dâng sao giải hạn, khi đến chùa sẽ phải ghi đầy đủ họ tên, tuổi vào một tờ giấy đã được chùa chuẩn bị sẵn. Sau đó, một nhân sự của chùa sẽ đối chiếu tuổi với sao chiếu mệnh năm nay để xem thuộc sao nào, xấu hay tốt. Hai sao xấu là Thái Bạch và La Hầu.
Tiếp đến, bên trong chùa có 1 bàn dài khác với nhiều nhân sự của nhà chùa đứng ra nhận tiền cho việc cúng sao. Với mỗi sao xấu, chùa sẽ thu tiền “giải hạn” là 150.000 đồng. Để thuận tiện cho người dân đến dâng sao giải hạn, ngoài nhận trực tiếp tiền mặt, tại mặt bàn có dán mã QR cho người dân chuyển khoản.
Một người trong chùa cho biết, tháng ngày 14/1 âm lịch, chùa lễ cả sao Thái Bạch và La Hầu ấy luôn. Còn từ tháng 2 trở đi, chùa lễ sao La Hầu vào mùng 8, sao Thái Bạch vào ngày 15.
Đã nhiều năm, Chính phủ yêu cầu không dâng sao giải hạn dịp đầu năm. Ngày 30/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ký ban hành công điện về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội. Đặc biệt, hướng dẫn, vận động các tổ chức, cá nhân không đốt đồ mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ, phản văn hóa, trục lợi tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo...