Chưa thể cấm ngay Temu, 1688 và Shein, Bộ Công Thương và Tổng cục Thuế nói gì?

Trước vấn đề đang được nhiều người quan tâm về việc sàn TMĐT Temu hoạt động “chui” tại Việt Nam khi chưa được cấp phép, nhiều sàn TMĐT khác cũng trong tình trạng tương tự nhưng chưa bị cấm, mới đây Bộ Công Thương và Tổng cục Thuế đã có những phản hồi cụ thể.

Về vấn đề vì sao chưa thể cấm ngay các sàn TMĐT "chui" như Temu, Shein và 1688, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), để đi đến quyết định cấm hay không cần phải có đánh giá tổng thể về tác động của các sàn TMĐT xuyên biên giới đối với thị trường Việt Nam, bao gồm về tác động kinh tế, xã hội và pháp lý. Điều này cũng cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan quản lý trong lĩnh vực thuế, công an, hải quan,… từ đó mới có thể nắm được tình hình giao dịch và mức độ vi phạm cũng như sự tuân thủ pháp luật Việt Nam của các nền tảng TMĐT này.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho biết, theo quy định hiện hành, không phải sàn TMĐT xuyên biên giới nào cũng thuộc diện điều chỉnh ngay từ đầu. Chúng ta cần có thời gian để làm việc trực tiếp đối với các nền tảng đó để họ hiểu rõ về các quy định, trách nhiệm của mình khi hoạt động tại Việt Nam….

"Hiện, các đơn vị thuộc Cục đang khẩn trương rà soát tổng thể về tác động cũng như giải pháp đối với các sàn TMĐT như Temu, Shein, 1688 để đảm bảo họ phải tuân thủ theo các quy định pháp luật khi hoạt động tại Việt Nam. Nếu họ không thực hiện đầy đủ, Bộ sẽ xem xét các biện pháp chặt chẽ hơn để bảo vệ quyền lợi  người tiêu dùng", Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết.

temu-1730372080.jpg
Nếu các sàn TMĐT xuyên biên giới đã được phân tích đầy đủ, yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật mà vẫn không thực hiện được, cơ quan chức năng có thể tiến tới các biện pháp cứng rắn hơn.

Theo ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thì trong bối cảnh quốc tế hiện nay, các nền tảng TMĐT như Temu, Shein, 1688 cũng đang chịu áp lực từ các quốc gia khác về tuân thủ pháp lý và chất lượng sản phẩm. Việc đăng ký và tuân thủ các yêu cầu tại Việt Nam là điều cần thiết để đảm bảo môi trường TMĐT công bằng, minh bạch và có trách nhiệm.

Về phía Tổng cục Thuế, đơn vị này cũng đã có ý kiến phản hồi về việc các sàn TMĐT như Temu hoạt động không phép tại Việt Nam. Theo đó, từ năm 2022, Tổng cục đã vận hành cổng thông tin điện tử dành cho các nhà cung cấp nước ngoài. Do đó, nếu phát hiện họ kê khai không đúng với doanh thu, cơ quan thuế sẽ đối chiếu dữ liệu để xác định doanh thu, từ đó đề nghị họ thực hiện nghĩa vụ và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo duy định nếu có dấu hiệu gian lận, trốn thuế…

z5986245790342-6ddfe8b6ecdd0b3babc316c5387e558a-1730372267.jpg
Cổng thông tin điện tử dành cho các nhà cung cấp nước ngoài đã được Tổng cục Thuế đưa vào hoạt động từ năm 2022.

Đề cập trực tiếp đến sàn TMĐT Temu, Tổng cục Thuế cho biết, từ ngày 4/9/2024, Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd – chủ sở hữu vận hành sàn TMĐT Temu tại Việt Nam đã đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử này và đã được cấp mã số thuế 9000001289.

Temu sẽ bắt đầu nộp tờ khai từ thời điểm quý III năm 2024 (thời hạn kê khai thuế của tờ khai quý III năm 2024 là 31/10/2024) kê khai cho doanh thu từ thời điểm bắt đầu hoạt động tại Việt Nam (dự kiến tháng 10/2024 mới phát sinh doanh thu nộp thuế và sẽ kê khai doanh thu vào kỳ khai thuế quý IV/2024 thời hạn nộp là 31/1/2025) nếu được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép hoạt động.