Chuyển đất trồng lúa sang đất ở trái phép có thể bị phạt tiền từ 200 - 250 triệu đồng

Theo dự thảo Nghị định Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai của Bộ TN&MT, hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở tại khu vực nông thôn có thể bị phạt nặng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa công bố dự thảo Nghị định Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, dự thảo quy định 27 nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. 

Trong đó, hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở tại khu vực nông thôn sẽ bị xử phạt tuỳ thuộc vào diện tích chuyển đổi mục đích trái phép. Cụ thể, từ dưới 0,01 ha hình thức và mức phạt tiền thấp nhất từ 50-80 triệu đồng. Với diện tích từ 0,1 ha trở lên, mức phạt sẽ là 200-250 triệu đồng.

Đối với việc chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn cũng được quy định như sau: Nếu diện tích chuyển mục đích trái phép từ trên 5 ha trở lên thì hình thức và mức xử phạt tiền từ 100-200 triệu đồng. Còn với việc chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp và đất ở tại khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt bằng 2 lần mức phạt quy định này. 

Như vậy, đề xuất Nghị định từ Bộ TN&MT ghi nhận mức phạt cho hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn có mức tăng so với quy định hiện hành.

dat-dai-1712738549.jpg
Hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở tại khu vực nông thôn sẽ bị xử phạt nặng.

Ngoài phạt tiền, các tổ chức cá nhân buộc khắc phục hậu quả. Theo đó, buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thuộc trường hợp phải thu hồi đất nhưng được tạm thời sử dụng theo quy định tại Điều 139 Luật Đất đai. Đồng thời, các tổ chức cá nhân buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Dự thảo cũng nêu mức phạt đối với hành vi vi phạm sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nếu chuyển trái phép từ 0,05 ha trở lên đất rừng là rừng trồng sang đất ở mức phạt tiền từ 200-250 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định và đề xuất mức phạt với hành vi sử dụng đất nông nghiệp (không phải đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất) vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; Sử dụng các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung trái phép; Sử dụng nhóm đất phi nông nghiệp vào mục đích khác không được cho phép theo quy định tại các điểm d, đ, e, g khoản 1 Điều 121 của Luật đất đai. 

Trong đó, hành vi chuyển đất phi nông nghiệp được nhà nước giao đất (không thu tiền sử dụng đất) sang loại đất phi nông nghiệp khác (được nhà nước giao và có thu tiền sử dụng hoặc cho thuê đất) tại khu vực nông thôn thì mức xử phạt từ 200- 300 triệu đồng, nếu diện tích đất vi phạm từ 3 ha trở lên. 

dat-da-1712738526.png
Ngoài phạt tiền, các tổ chức cá nhân buộc khắc phục hậu quả khi chuyển đổi mục đích đất trái phép.

Nếu vi phạm này diễn ra tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt đối với từng loại đất. Tuy nhiên, mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân và với tổ chức không quá 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, đối với trường hợp lấn đất phi nông nghiệp, nếu diện tích từ 1 ha trở lên, mức phạt tiền từ 200-500 triệu đồng. Trường hợp lấn đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt tương ứng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này. Mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân, không quá 1 tỷ đồng đối với tổ chức.

Với trường hợp chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, thì hình thức và mức xử phạt như sau: Thấp nhất với diện tích đất chiếm dưới 0,05 ha, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng; cao nhất chiếm từ 2 ha trở lên, phạt tiền từ 100-200 triệu đồng.