Chuyên gia lý giải tình trạng “cứ mưa là ngập” ở phía Tây Hà Nội

Theo lãnh đạo Công ty thoát nước Hà Nội, nguyên nhân khu phía Tây ngập chủ yếu là do kênh La Khê (đoạn qua quận Hà Đông) chưa hoàn thành. Còn ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, nguyên nhân đến từ hệ thống thoát nước các đô thị chưa kết nối với trục thoát nước chính của thành phố.

Biển nước mênh mông vào giờ đi làm

Khi đã an vị tại công ty với quần áo vẫn còn khô ráo, anh Trần Văn Trung mới thở phào nhẹ nhõm sau thời gian chật vật tìm đường đi làm. Anh Trần Văn Trung sống tại một khu chung cư trên đường Lê Trọng Tấn kéo dài (phường An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội). Công ty anh vào làm lúc 8h nên hàng ngày, cứ hơn 7 giờ là anh rời nhà. Nhưng sáng nay (24/7), hơn 7h30, anh còn phân vân không biết chọn đường nào để đến công ty.

Bởi nơi anh sống thường xuyên rơi vào cảnh bị "cô lập" mỗi khi trời mưa vì các điểm ngã ba, ngã tư di chuyển hướng Hà Đông hay theo Đại lộ Thăng Long lên khu vực Mỹ Đình, Cầu Giấy… đều rơi vào tình trạng ngập sâu.

mua-4-1721814067.jpg
Ảnh hưởng từ cơn bão số 2 gây mưa diện rộng ở Hà Nội

Tương tự, chị Hoàng Thanh Trang (chung cư Thăng long Victory, Anh Khánh) cũng chật vật tìm đường đi làm. Chị mất gần nửa tiếng để đi qua điểm ngập ở khu vực cổng chào Nam An Khánh. Tưởng đã qua hết điểm úng ngập, chị lại nghe thấy những người đi ngược đường cảnh báo điểm giao cắt giữa đường Lê Trọng Tấn kéo dài và Đại lộ Thăng Long ngập tới ngang người, các xe máy, xe ô tô con đều phải quay đầu.

Không thể xin nghỉ làm, chị Trang đành phải tháo dép, cất hết mọi đồ đạc quan trọng vào cốp xe, chân trần dắt xe men theo dải phân cách, đi ngược đường về phía Hà Đông. Cuối cùng, chị cũng đến được công ty ở Cầu Giấy sau gần 2 tiếng vật vã trên đường.

mua-1-1721814067.jpg
Ngập úng nghiêm trọng tại một khu đô thị phía Tây Hà Nội

Nhiều người sinh sống ở các khu nhà ở, chung cư ở Thăng Long Victory, The Golden An Khánh, Gemek, Vinhomes Thăng Long… cũng gặp không ít khó khăn khi di chuyển đêm 23 và sáng 24/7. Không ít người không thể đưa con đến trường, cũng không thể đi làm nên đành nghỉ phép hoặc xin làm việc từ xa.

Tình trạng trên là do những trận mưa lớn ảnh hưởng từ cơn bão số 2 gây ra. Tại Hà Nội, mỗi khi xảy ra mưa lớn kéo dài, thì một số Khu đô thị mới phía Tây, đặc biệt là dọc theo đại lộ Thăng Long, đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông… sẽ rơi bào tình trạng ngập lụt nghiêm trọng.

Hệ thống thoát nước chưa kết nối

Chia sẻ với Báo Tuổi trẻ về nguyên nhân khu phía Tây Hà Nội vẫn rơi vào tình trạng bị ngập nghiêm trọng, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, đầu tiên chắc chắn là do lượng mưa quá lớn.

Thứ hai là do hệ thống thoát nước mưa ở khu vực này hiện chưa giải quyết được cuối nguồn, tức là chưa liên kết được hạ tầng thoát nước của các khu đô thị với trục thoát nước chính bên ngoài. Trong khi đó, hệ thống thoát nước trục chính cũng chưa lắp đặt trạm bơm cuối nguồn nên không thoát nước kịp thời, đưa tới tình trạng mưa lớn là ngập nặng.

mua-2-1721814067.jpg
Mưa ngập sáng nay khiến nhiều người phải xin đi làm muộn

Ông Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm, thực tế cốt nền các khu đô thị phía Tây Hà Nội rất cao. Riêng nút giao giữa đường Lê Trọng Tấn - đại lộ Thăng Long là khu vực có cốt thấp nhất khu vực, nhiều lần bị ngập. Do đó, thành phố đã lên phương án xây hầm ngầm và đào thêm hồ điều hòa để thoát nước.

Nhưng theo Luật Đất đai mới, để hoàn thiện hệ thống thoát nước khu vực này, trước hết phải hoàn thiện quy hoạch không gian ngầm khu vực, từ đó tạo sự liên kết với trục thoát nước chính trong khu vực, xác định vị trí đào hồ điều hòa để thoát nước. Vấn đề này không thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư các khu đô thị mới mà thuộc trách nhiệm chung của thành phố.

Cũng liên quan đến vấn đề này, theo lãnh đạo Công ty thoát nước Hà Nội, nguyên nhân khu phía Tây ngập chủ yếu là do kênh La Khê (đoạn qua quận Hà Đông) chưa hoàn thành. Điều đó dẫn đến việc dù trạm bơm Yên Nghĩa có công suất 120m3/giây nhưng chỉ vận hành chưa đến 40% công suất.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác còn do lòng sông Nhuệ bị bùn lấp đầy, ảnh hưởng đến dòng chảy. “Để phía Tây thoát cảnh ngập úng, ngoài việc sớm hoàn thành kênh La Khê, thành phố cần nạo vét để tạo dòng chảy cho sông Nhuệ”, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội nói.

mua-3-1721814068.jpg
Nhiều người chật vật di chuyển qua các điểm ngập úng sáng 24/7

Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây Hà Nội (gồm kênh dẫn nước La Khê và trạm bơm Yên Nghĩa) được khởi công từ cuối năm 2015 với tổng mức đầu tư 7.466 tỷ đồng.

Đến tháng 1/2020, trạm bơm Yên Nghĩa đã hoàn thành với 10 tổ máy, công suất 120m3/giây. Tuy nhiên, dù trạm bơm đã đi vào hoạt động nhưng khu vực phía Tây gồm các quận huyện là Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đan Phượng… vẫn chịu cảnh ngập úng. Nguyên nhân là do kênh La Khê chưa hoàn thành.

Trao đổi về vấn đề này, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng, Hà Nội cần rà soát tổng thể các dự án thoát nước. Nếu thiếu vốn, cần phải cấp vốn ngay cho chủ đầu tư hoàn thành dự án. Còn nếu vướng giải phóng mặt bằng, phải đốc thúc các quận, huyện, sở, ngành tìm giải pháp tháo gỡ. Có như vậy, vào mùa mưa, người dân Thủ đô mới hy vọng hết cảnh ngập úng.